Sáng 25/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp công tác thời gian qua và xử lý một số kiến nghị về những vấn đề nổi cộm đối với công nhân, người lao động.
Phát biểu tại buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ấn tượng về con số hơn 2,4 triệu đoàn viên Công đoàn, người lao động được tham gia học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, Thủ tướng cho rằng, “đây là hướng quan trọng, không học tập, không rèn luyện, không nâng cao kỹ năng trong tình hình mới thì khó có năng suất cao, khó giải quyết vấn đề đời sống”.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả trên, đời sống của một bộ phận người lao động còn khó khăn, Thủ tướng bày tỏ: “Có nơi lương tháng 15 – 20 triệu đồng nhưng có nơi lương chỉ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng”. Bên cạnh đó, tình hình doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, ngừng hoạt động khiến nhiều người lao động thiếu việc làm. Tình trạng nợ lương vẫn xảy ra tại một số ngành, địa phương. Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra.
Tai nạn lao động vẫn gây thiệt hại lớn về con người và tài sản (gần 9.000 vụ tai nạn lao động làm khoảng 9.000 người bị nạn, trong đó có 928 người chết). Khó khăn về nhà ở, thiếu nhà trẻ, trường học ở các khu công nghiệp đã làm cuộc sống của công nhân, người lao động thêm khó khăn.
Thủ tướng khẳng định: Quy định mới về cách tính lương hưu cho người về hưu từ 1/1/2018 phát sinh tâm lý bất an với lao động nữ; lao động nữ trên 35 tuổi tại một số doanh nghiệp FDI có việc làm không ổn định.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi đã nhận được nhiều kiến nghị của lao động nữ trong vấn đề này. Mình phải bảo đảm quyền lợi bình đẳng giới chứ không phải nam giới về hưu thì tốt còn nữ thì không tốt”.
Về công tác phối hợp thời gian tới, Thủ tướng mong muốn Đại hội Công đoàn lần thứ 12, dự kiến diễn ra vào quý III/2018; qua đó các bộ, ngành và Công đoàn cần phối hợp tích cực chuẩn bị cho đội ngũ công nhân trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời phối hợp làm tốt, nhanh hơn các thiết chế công đoàn, trước là nhà ở cho công nhân.
Tiếp tục tích cực tham gia hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động, xã hội. Thúc đẩy phát triển thị trường lao động, phòng ngừa tai nạn lao động. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt là các cấp chính quyền và công đoàn cần nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan trực tiếp đến người lao động, “nếu bức xúc ở bộ phận nhỏ không được giải quyết thì sẽ trở thành vấn đề xã hội rất lớn”, Thủ tướng nói.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Bùi Văn Cường cho biết, thời gian qua, Tổng Liên đoàn đã kịp thời phản ánh, kiến nghị cơ quan chức năng của Quốc hội và Chính phủ về nhiều vấn đề lớn như việc làm bền vững, nhất là đối với lao động nữ trên 35 tuổi; những vướng mắc trong quá trình đại diện khởi kiện tại Tòa án đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của tổ chức Công đoàn; mức lương hưu đối với giáo viên; các điểm chưa hợp lý trong việc quy định lương hưu của Luật Bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018…