Cái chân bị gãy và nụ cười chưa bao giờ tắt trên môi cô bé 10 tuổi

Bài, ảnh: Lan Hương
13/10/2022 - 12:49
Cái chân bị gãy và nụ cười chưa bao giờ tắt trên môi cô bé 10 tuổi

Cô bé Phạm Thị Toan (10 tuổi) tại bệnh viện

Gia đình không có tiền mổ chân cho con bị tai nạn giao thông nên Phạm Thị Toan được bố bó chân bằng lá với mong muốn chân đau nhanh khỏi. Tuy nhiên, cách làm này khiến Toan bị bỏng nặng, chân đau càng thêm đau...

Theo sự giới thiệu của cán bộ Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, chúng tôi đến Khoa Ngoại chấn thương của bệnh viện. Một bé gái 10 tuổi hồn nhiên, đáng yêu đang làm quen với người bạn mới bị tai nạn giao thông trong cùng phòng bệnh của mình. Thấy đoàn đến, cô bé nhanh nhẹn chào hỏi, dùng nạng để di chuyển về chỗ của mình. Đó là em Phạm Thị Toan (10 tuổi, ở thôn 2, Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đang điều trị tại bệnh viện.

Tai nạn xảy đến với cô bé khi Toan được chị họ chở ra sân bóng chơi đùa. Hai chị em đang đi xe đạp điện thì chẳng may chân của Toan va phải một vật cứng dẫn đến gãy chân bên phải. Cháu được đưa vào viện với tình trạng gãy xương cổ chân, có di lệch. Bác sĩ giải thích gia đình nên mổ cho con để tránh những di chứng về sau. Tuy nhiên, gia đình khó khăn, Toan không có bảo hiểm y tế, bố cháu lại không thể xoay xở được khoản phí đó nên cháu chỉ được bó bột rồi gia đình xin cho về. Ở nhà, bố tự chạy chữa cho Toan bằng phương pháp dân gian như bó lá với mong muốn chân con nhanh khỏi. Tuy nhiên, cách này khiến da cháu bị dị ứng, bỏng. Toan lại phải tiếp tục vào viện điều trị trong tình trạng viêm da nặng.

Cái chân chưa lành và nụ cười chưa bao giờ tắt - Ảnh 2.

Chân phải của Toan bị gãy và bỏng da

Bác sĩ Phan Thanh Hoàng, Khoa ngoại chấn thương, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, người trực tiếp điều trị cho Toan, chia sẻ: "Đây là lần thứ 2 cháu vào viện điều trị, hiện tại tình trạng da bị bỏng cũng đang dần ổn định. Phần chân gãy được điều trị theo hướng bảo tồn và tập phục hồi chức năng. Vì điều kiện không cho phép nên vấn đề mổ cho bé, các bác sĩ không đặt ra với gia đình nữa".

Cô bé 10 tuổi ấy luôn khao khát được sống trong một gia đình trọn vẹn. Một mái ấm có bố, có mẹ, có cả anh và chị chứ không phải mỗi người mỗi nơi như hiện tại. Toan sống cùng bố, cùng bà cố và anh trai cùng cha khác mẹ; còn mẹ và chị gái lại sống ở nơi khác. "Con muốn ở với mẹ lắm nhưng mẹ phải đi làm xa, con gọi cho mẹ thì không liên lạc được, mẹ cũng ít khi về thăm con lắm" - Toan tâm sự.

Để lo cho cuộc sống của con, ông Phạm Văn Mùi - bố Toan - đã gần 70 tuổi nhưng vẫn gắng làm lụng chuyện đồng áng, ai thuê gì làm nấy, bán thêm củ sắn, mớ rau khoai được đồng nào hay đồng ấy. Hôm nay cũng là ngày phải thanh toán viện phí, không thấy bố Toan đâu, chúng tôi thắc mắc, các cô giường bên lại đùa: "Chắc bố nó về xoay bán con gà, con vịt lo tiền viện phí rồi".

Đồng hồ điểm 12h trưa nhưng bố vẫn chưa vào với Toan. Ở cái tuổi lên 10, nhiều đứa trẻ cùng trang lứa đang được bố mẹ chăm bẵm cho từng chút, lo cho miếng ăn giấc ngủ. Ấy thế mà Toan phải tự xoay một mình trong viện. Cô bé tự ăn uống, tự gắng mình vượt qua cái đau của những mũi tiêm, tự chống nạng làm vệ sinh cá nhân. Con tâm sự: "Nhiều hôm chân đau nằm xuống là con không ngủ được nhưng con vẫn cố gắng chịu đựng".

Cái chân chưa lành và nụ cười chưa bao giờ tắt - Ảnh 3.

Toan là cô bé rất hồn nhiên và tình cảm

Nhà văn Nam Cao từng viết: "Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?". Nhưng với cô bé 10 tuổi này, dù chân có nhói đau, tay có sưng lên vì mũi tiêm thì nụ cười rạng rỡ, tinh thần lạc quan của con vẫn không hề thay đổi. Toan hồn nhiên như một tờ giấy trắng, hát líu lo suốt ngày như một chú chim non không mỏi mệt. 

Quá trưa sang chiều, chúng tôi phải tạm biệt Toan. Lời chia tay nói ra nhưng ánh mắt, tình cảm của đứa trẻ ấy khiến chúng tôi không thể nào rời đi. Với đứa bé thiếu thốn tình cảm từ nhỏ thì sự yêu thương của mọi người luôn được con trân trọng và đón nhận bằng cả trái tim. Sự hồn nhiên, tình cảm của đứa trẻ với một cái chân chưa lành khiến chúng tôi không thể nào quên.

Mọi giúp đỡ của các nhà hảo tâm dành cho cô bé Phạm Thị Toan xin gửi về địa chỉ: Chị Lê Hà - Phó phòng Quản lý chất lượng, phụ trách Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp. Số điện thoại: 0983.654384.

Mottainai 2022 do Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức là chuỗi hoạt động, bao gồm cả trực tiếp (offline) và trực tuyến (online). Sự kiện kêu gọi cộng đồng thúc đẩy lối sống Xanh, bảo vệ môi trường, gây quỹ hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông, trẻ mồ côi do Covid-19.

Với sự bảo trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, sự đồng hành của các đơn vị, tổ chức uy tín, dự kiến năm nay, Chương trình Mottainai sẽ có nhiều điểm đáng chú ý:

- Kết nối các hoạt động Mottainai Việt Nam - Nhật Bản;

- Gây quỹ + quyên góp đồ trao tặng chương trình;

- Livestream (11h30 thứ 6 hàng tuần) giao lưu/giới thiệu các hoạt động xã hội của Doanh nghiệp tham gia + đấu giá đồ tặng Mottainai trên fanpage https://www.facebook.com/baophunuvn/; https://www.facebook.com/MottainaiPhunuVietNam/

- Thăm/tặng quà hỗ trợ cho các trẻ em là nạn nhân tai nạn giao thông, trẻ mồ côi do Covid-19;

- Chương trình Mottainai 2022 có 4 đại sứ là những người nổi tiếng cùng lan tỏa thông điệp nhân văn. Đó là MC-diễn viên Bình Minh, diễn viên Lan Phương, Miss Photo Vũ Hương Giang và Hoa khôi Vầng trăng khuyết 2019 Bế Thị Băng - cô gái bị mất 1 chân do tai nạn giao thông;

- Đặc biệt, Ngày hội Giáng sinh "Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc" 2022 sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) vào đúng Noel 24/12/2022. Ngày hội dự kiến sẽ có sự tham gia của nhiều người nổi tiếng, các nghệ sĩ tên tuổi, các "Mẹ đỡ đầu", CLB võ thuật Việt Nhật, CLB Áo dài Việt Nam, các nhóm Tái chế + Sống xanh, các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, biểu diễn dân vũ…

Dự kiến sẽ có thêm hàng chục ngàn người tương tác trực tiếp và qua Internet trong mùa thứ 9 của Chương trình quyên góp đồ đã qua sử dụng vì mục tiêu nhân đạo lớn nhất Việt Nam này. Các kênh trực tuyến quyên góp/đấu giá đồ Mottainai sẽ tiếp tục được thực hiện đến hết tháng 12/2022.

Những điểm đáng chú ý của Chương trình Mottainai "Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc" 2022 - Ảnh 1.
Những điểm đáng chú ý của Chương trình Mottainai "Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc" 2022 - Ảnh 2.
Những điểm đáng chú ý của Chương trình Mottainai "Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc" 2022 - Ảnh 3.
Những điểm đáng chú ý của Chương trình Mottainai "Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc" 2022 - Ảnh 4.

Những điểm đáng chú ý của Chương trình Mottainai "Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc" 2022 - Ảnh 5.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm