'Cai' ti giả cho bé

31/10/2016 - 11:00
Con bạn đang rất thích ngậm ti giả, thậm chí là “nghiện”. Bạn nên lưu ý những gì?
Chất lượng của "ti giả" là mối quan tâm hàng đầu
Chú trọng chất lượng

Hiện trên thị trường có rất nhiều loại ti giả khác nhau với giá cả, mẫu mã, chất lượng khác nhau. Vì trẻ ngậm, mút trực tiếp, có thể ngậm trong khoảng thời gian tương đối dài nên việc đầu tiên mẹ cần làm là phải chọn hàng chất lượng, bảo đảm sự an toàn về sức khỏe cho bé.

Khi chọn mua, mẹ có thể dựa vào một số tiêu chí như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá thành không quá rẻ (với mặt hàng này cần cao cấp và giá rẻ khó có thể là hàng tốt), vỏ hộp có ghi địa chỉ hãng nhập… Khi đọc thành phần, mẹ nên chú ý chọn loại không có chứa chất Bisphenol A (BPA) vì có khả năng chất này gây ra những tác hại đến sự phát triển của não và hệ sinh dục của bé. Khi kiểm tra, mẹ lưu ý núm phải có độ dẻo, đàn hồi phù hợp, không quá cứng để lưỡi trẻ cử động dễ dàng.

Thông thường, loại ti giả được làm bằng chất liệu silicon và latec để làm núm vú bình sữa.  Liền một khối là an toàn, tránh loại có thể tháo rời để tránh nguy cơ khiến trẻ bị hóc nếu bị đứt vỡ. Mẹ cũng nên chọn loại có lỗ thông khí trên phần đế và được làm bằng chất liệu silicon thì tương đối bền, giữ dáng lâu.

Nếu bé còn ít tháng tuổi, mẹ nên chọn núm ti bằng cao su giúp nó mềm mại hơn, có cảm giác giống với ti mẹ. Khi mua, mẹ cũng nhớ mua loại rỗng bởi những loại có chất lỏng bên trong rất có thể sẽ là nơi trú ngụ của các loại vi khuẩn. Mẹ cũng nên tính đến chuyện dự phòng 1-2 chiếc cho bé để thay thế. Trung bình một bé hay ngậm ti giả thì khoảng 1 tháng rưỡi đến 2 tháng mẹ phải chuyển sang chiếc mới.

Quy trình sử dụng

Trước khi cho trẻ ngậm ti, mẹ cần phải lưu ý vệ sinh sạch sẽ  để tránh bệnh đường ruột. Tuyệt đối không để núm vú tiếp xúc với miệng của mẹ vì như vậy vô tình bạn truyền vi khuẩn sang bé. Nếu bé nhà bạn dưới 6 tháng tuổi, mẹ càng phải cẩn trọng hơn trong khâu vệ sinh (có thể phải luộc núm ti để tiệt trùng sau đó để khô ráo rồi mới cho sử dụng) vì hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện, nguy cơ bị nhiễm khuẩn rất cao.

Với bé hơn 6 tháng tuổi, bạn có thể rửa sạch núm ti với nước rửa bình sữa sau đó tráng sạch với nước sôi. Mẹ cũng có thể dùng dấm pha lẫn với nước để ngâm ti giả trong vài phút để tiêu diệt vi khuẩn. Trong suốt quá trình trẻ sử dụng sản phẩm, bạn cũng cần thường xuyên kiểm tra và thay thế liên tục cho phù hợp với độ tuổi và tránh không để trẻ sử dụng những núm vú bị mòn, bị đứt, hỏng… vì chúng có thể gây hại cho môi, lưỡi, lợi của trẻ. Khi trẻ có răng, mẹ nên cho bé sử dụng loại ti giả có hình dạng phẳng để không làm hỏng dáng răng của bé.

Ti mẹ vẫn là chuẩn nhất!

Trong giai đoạn bé đang nghiện ti giả, bạn cần chú ý đến vấn đề thời điểm, thời gian để giúp bé cai nghiện. Nhiều trẻ tự động bỏ ti giả vào thời điểm khoảng từ 2 đến 4 tuổi. Cũng có những bé cần sự tác động, hỗ trợ của bố mẹ. Khi này, bạn cần chú ý kiểm soát thời gian ngậm ti của bé (không được quá 6 giờ liên tục). Bạn cũng học cách chấm dứt việc lạm dụng ti giả để chiều chuộng, dỗ dành bé. Ngoài ra, theo lời khuyên của nhiều bác sĩ nhi, nếu trẻ đã có dấu hiệu nghiện, cha mẹ cần tính đến chuyện cai càng sớm càng tốt, không nên để trẻ nghiện ti giả khi đã bước vào tuổi thứ 3.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm