pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cảm phục những bóng hồng đảm bảo "mạch máu" thông tin cho Binh chủng
Tự hào về nghề đã gắn bó lâu năm của chính mình, Đại úy Lê Thị Xuân, Trợ lý Phòng Kỹ thuật Vô tuyến điện, Trung tâm Kỹ thuật Thông tin Công nghệ cao, chia sẻ: "Hình ảnh của các nữ kỹ sư cặm cụi bên bảng mạch, hay của nữ nghiên cứu viên trăn trở bên những dòng code còn chưa hoàn thiện... Tất cả chị em đều làm việc miệt mài, say mê, tràn đầy nhiệt huyết và khát khao cống hiến với nghề".
Nếu hạnh phúc của nghề y là cứu giúp bệnh nhân thì niềm vui của những nữ kỹ sư của Trung tâm Kỹ thuật Thông tin Công nghệ cao (KTTT CNC) chính là "cứu sống" hệ thống thông tin liên lạc (TTLL). Được ví như "bệnh viện tuyến cuối" của ngành TTLL quân sự, do vậy tất cả những sự cố lớn xuất hiện trên hệ thống đều được Trung tâm xử lý và khắc phục. Trong đó, không thể không kể tới bàn tay góp sức của những "bóng hồng".
Đại úy Lê Thị Xuân giải thích thêm: Đây là nơi sửa chữa, đảm bảo "mạch máu" thông tin cho Binh chủng, thế nên phụ nữ Trung tâm đảm nhận tất cả "các khâu" trong quy trình ấy: Từ truyền dẫn quang, vệ tinh đến vô tuyến; từ bảo đảm kỹ thuật đến nghiên cứu khoa học, huấn luyện, biên soạn tài liệu; từ phần cứng đến phần mềm...
Phần lớn chị em làm công tác chuyên môn của Trung tâm đều được đào tạo tại Học viện Kỹ thuật Quân sự - một trong những "lò" hàng đầu trong nước về đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật. Thuận lợi cơ bản là Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm luôn quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy hết năng lực chuyên môn bằng việc phân bổ công việc đúng sở trường, không ngại giao việc khó, việc quan trọng cho chị em. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tạo điều kiện tốt nhất về chế độ chính sách để chị em yên tâm làm việc. Không phụ sự quan tâm ấy, tất cả các chị em đều rất say sưa với công tác chuyên môn, họ đều là những nhân tố đắc lực, cốt cán ở nhiều phòng, ban.
Đã quá giờ nghỉ trưa, vậy mà một nhóm nữ kỹ sư của Phòng Kỹ thuật truyền dẫn thông tin vệ tinh của Trung tâm vẫn say sưa bên những chiếc anten VSAT, thoạt nhìn kích thước của nó đã gấp mấy lần những thân hình nhỏ nhắn kia. Cứ ngỡ đâu những thiết bị to như thế, phức tạp như thế thì làm sao mà kham cho nổi? Nhưng không, dù thể hình nhỏ bé, song niềm say mê kiến thức thì không hề bé nhỏ. Từng lênh đênh trên những con tàu, tới những hòn đảo xa xôi của Tổ quốc, Đại úy Vũ Hoàng Yến - một trong những trợ lý của Trung tâm - chưa từng nề hà các chuyến công tác kéo dài hàng tuần, nửa tháng; phải "độc lập tác chiến", để chinh phục những thiết bị to lớn, phức tạp đó; đảm bảo thông tin liên lạc luôn được thông suốt khắp vùng trời, vùng biển. Hiện tại, chị Yến đang có con nhỏ nên không thể tham gia những chuyến công tác xa nhưng ở đơn vị, chị vẫn tận dụng thời gian để phối hợp, giúp đỡ các đơn vị trong toàn quân khắc phục các sự cố trên hệ thống.
Cũng giống như chị Vũ Hoàng Yến, có tới 80% chị em ở Trung tâm ở vào độ tuổi dưới 35, vì vậy hầu hết họ đều đang nuôi con nhỏ. Việc sắp xếp giữa một bên là gia đình, con cái với một bên là công việc đòi hỏi chị em phải cố gắng rất nhiều. Hàng đêm, khi con cái đã say giấc nồng cũng là lúc các chị lại cặm cụi bên những sơ đồ, những bảng mạch, những dòng code dở dang.
Với sự cố gắng nỗ lực đó, những năm qua, chị em ở Trung tâm KTTT CNC đã giành được giải thưởng "Tuổi trẻ sáng tạo" cấp Binh chủng, cấp toàn quân, cùng nhiều danh hiệu chiến sĩ tiên tiến, chiến sĩ thi đua. Năm 2017, các chị có 1 công trình khoa học giải Nhất và 2 công trình khoa học giải Ba toàn quân. Năm 2018 , có 1 sáng kiến đoạt giải Nhì và 2 sáng kiến giải Ba, Giải thưởng "Tuổi trẻ sáng tạo" toàn quân.
Với sự đam mê cháy bỏng, khát khao cống hiến đối với lĩnh vực kỹ thuật thông tin, các nữ kỹ sư và nghiên cứu viên của Trung tâm là những "bóng hồng" đáng ngưỡng mộ. Cùng với đồng nghiệp nam, các chị đã góp phần xứng đáng giữ vững cho mạch máu thông tin luôn thông suốt, vững chắc trong mọi tình huống.