pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần bổ sung 21.427 chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non giai đoạn 2026-2030

Tổng biên chế còn thiếu đến năm 2030 là 47.949 chỉ tiêu giáo viên mầm non. Ảnh minh họa
Như Báo PNVN đã đưa, sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết: để hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi vào năm 2030, cần có những giải pháp đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên và nguồn lực tài chính,... để chính sách đi vào thực tế hiệu quả, khả thi.
Theo đó, Nhà nước phải bảo đảm nguồn tài chính và nguồn nhân lực rất lớn. Cụ thể:
Về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị: Tổng dự toán kinh phí để thực hiện phổ cập GDMN 3 đến 5 tuổi (giai đoạn 2026-2030) là 116.314,1 tỷ đồng. Trong đó, tổng kinh phí chi đầu tư xây dựng trường, lớp, bổ sung thiết bị, đồ dùng, đồ chơi bảo đảm điều kiện tối thiểu theo quy định là 91.872,5 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu
Về đội ngũ giáo viên mầm non: Theo đánh giá tác động dự kiến tổng biên chế còn thiếu đến năm 2030 là 47.949 chỉ tiêu. Số biên chế cần bổ sung giai đoạn 2026-2030 là 21.427 chỉ tiêu. Thường trực Ủy ban cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tập trung đánh giá số lượng giáo viên mầm non, khả năng bố trí biên chế; xác định cụ thể số lượng giáo viên mầm non thiếu cần bổ sung hằng năm phù hợp với lộ trình phát triển trường, lớp. Số biên chế giáo viên mầm non cần bổ sung giai đoạn 2026-2030 và đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền.
Về kinh phí thực hiện Nghị quyết, hiện ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện một số chính sách mới: miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; các nhiệm vụ thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030...
Ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, bổ sung đánh giá kỹ lưỡng nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết có thuộc 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo không. Trong đó cần phân định cụ thể ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; ngân sách nhà nước tăng thêm hằng năm để bổ sung cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp; cân đối chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển; việc dành nguồn lực chi cho GDMN sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện các nhiệm vụ khác của lĩnh vực giáo dục và đào tạo; bổ sung đánh giá kinh phí chi trả lương cho đội ngũ giáo viên mầm non tăng thêm giai đoạn 2026-2030,... để có đủ cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thảo luận nội dung này, ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, nhấn mạnh Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây là giai đoạn rất quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho trẻ có điều kiện phát triển toàn diện; đầu tư cho con người là đầu tư phát triển quan trọng nhất. Chính vì thế, cần có các chính sách mạnh mẽ cho giáo viên không chỉ trong công lập mà cả ngoài công lập; miễn học phí cho cả khu vực ngoài công lập sẽ tạo ra tác động rất lớn.
Để làm sao chăm sóc thể chất và giúp các con tiếp cận sớm với các chương trình giáo dục, cần đầu tư, nghiên cứu chương trình giáo dục sớm cho bậc học này. "Chúng ta không nên băn khoăn việc chi trăm ngàn tỷ đồng cho đầu tư giáo dục. Đây là việc cần làm thì triệu tỷ vẫn nên làm" - ông Phan Văn Mãi nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan thảo luận tại phiên họp
Theo Tờ trình của Chính phủ, kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em mẫu giáo (hỗ trợ chi phí học tập và tiền ăn trưa) là 1.062 tỷ đồng/năm. Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm vấn đề tăng hỗ trợ tiền ăn trưa với trẻ mẫu giáo. "Không dừng lại là cung cấp 'bữa ăn miễn phí' cho các con, mà cần tiếp cận việc 'cung cấp bữa ăn dinh dưỡng'. Bởi trong giai đoạn tuổi từ 3 - 5 tuổi, các con cần chế độ dinh dưỡng đầy đủ, có khoa học, giảm tỷ lệ thấp còi, suy dinh dưỡng của các con" - ông Lê Minh Hoan nói.