Cần cái nhìn cởi mở với phim Việt kịch bản nước ngoài

28/04/2018 - 09:00
Sau 15 năm tổ chức, mới đây, lần đầu tiên giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh - giải Cánh diều 2017 - đã bổ sung thêm ứng cử viên mới là dòng phim remake (còn gọi là phim được làm lại trên kịch bản nước ngoài). Điều này đã dẫn đến tranh luận trái chiều giữa chính những người làm điện ảnh.
Xu hướng tất yếu 
Từng nói “không” với phim remake nhưng giải thưởng của Hội Điện ảnh vừa qua lại mở cửa khá rộng cho thể loại Việt hóa này khi nhận tới 4 trên tổng số 13 phim tham dự tranh giải Cánh diều vàng: Bạn gái tôi là sếp, Sắc đẹp ngàn cân, Yêu đi đừng sợ, Ngày mai Mai cưới... Hạng mục phim truyền hình cũng có 2/5 phim dài tập là phim remake gồm Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử...
sac-dep-ngan-can.jpg
 Bộ phim "Sắc đẹp ngàn cân" được làm lại từ tác phẩm cùng tên nổi tiếng của Hàn Quốc
Trong bối cảnh thiếu kịch bản hấp dẫn thì việc làm lại các kịch bản nổi tiếng trên thế giới là xu hướng chung của điện ảnh Việt. Việc chấm giải với phim remake của Cánh diều 2017 cũng như giải thưởng Liên hoan phim Việt Nam trước đó được xem là theo xu thế dòng chảy của điện ảnh.
 
Mặc dù chỉ trao giải cho hạng mục cá nhân cho thể loại phim remake, ở giải thưởng Cánh diều - giải thưởng của Hội nghề nghiệp, chấp nhận những bộ phim này rất có thể đồng nghĩa với việc tạo tâm lý tồn tại ăn sẵn, ngại sáng tạo, đi ngược với tiêu chí của người làm nghề.
 
Theo đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng - Giám khảo hạng mục phim điện ảnh Giải thưởng Cánh diều 2017, phim remake đem đến một cách làm chuyên nghiệp trong xây dựng hình ảnh, kịch bản, là những phim hấp dẫn do đã được khẳng định ở nước ngoài. Tuy nhiên, khi các đạo diễn non tay thì phim không có bản sắc Việt, không khuyến khích sự sáng tạo của người làm nghề.
 
Còn nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thì chia sẻ, với 2 bộ phim truyền hình được Việt hóa vừa qua là Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử thì cái kết thiếu nhân văn của phim cho thấy, các nhà làm phim đã không đầu tư vào việc sáng tạo, làm cho phim phù hợp với đời sống văn hóa Việt. 
song-chung-voi-me-chong-2-1498466272591.jpg
Các diễn viên đóng trong phim "Sống chung với mẹ chồng"
 
Đồng quan điểm, đạo diễn, NSND Nhuệ Giang cho rằng không nhìn thấy ở các phim remake những màu sắc của xã hội Việt Nam, không có những đề tài gần gụi với cuộc sống. “Các phim không bám sát vấn đề đời sống dân tộc, không xây dựng kịch bản chuyên nghiệp, đưa ra thị trường chỉ có hại nhiều hơn là có lợi vì không giáo dục được thẩm mỹ cho người xem.
 
Với đa phần khán giả là những người từ 18-30 tuổi, phim Việt cứ làm theo đà này sẽ tạo nên một thế hệ khán giả lười biếng, không suy nghĩ gì về đất nước, dân tộc, đời sống xã hội”, NSND Nhuệ Giang bày tỏ.
 
Thiếu khả năng tiệm cận điện ảnh thế giới
Dưới một góc nhìn khác, đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn khẳng định rằng nhiều phim remake thì khán giả sẽ càng được lợi bởi họ sẽ được tiếp cận với nhiều phim tốt của quốc tế. Tuy nhiên, trong các giải mang tính nghề nghiệp thì nên cân nhắc khi trao giải cho những dòng phim kiểu như vậy. “Riêng dòng phim này cũng nên phân tách ra loại phim phiên bản - phim làm lại phải tuân thủ từng góc máy, từng lời thoại đến ngoại hình của các nhân vật...
1_361970.jpg
2 diễn viên chính trong phim "Bạn gái tôi là sếp"
 
Ở loại phim này, sức sáng tạo của nghệ sĩ không thể hiện nhiều, vì thế không nên đưa ra chấm xét giải thưởng. Còn những phim dựa trên kịch bản gốc để Việt hóa, biên tập lại cho phù hợp, gần gũi với khán giả Việt thì nên ủng hộ, khuyến khích bởi lẽ nó đem đến cho điện ảnh trong nước nhiều màu sắc mới”, NSND Đào Bá Sơn chia sẻ.
 
Lấy dẫn chứng về việc Hollywood làm lại kịch bản Vô gian đạo của Hồng Kông và bộ phim được trao giải Oscar, NSND Đào Bá Sơn cho rằng, cần trao giải cho các phim kịch bản gốc của nước ngoài nhưng được Việt hóa phù hợp, có tính sáng tạo. “Cần có cái nhìn thấu đáo, thống nhất để đỡ thiệt thòi cho anh em làm nghề. Tuy nhiên, giá trị phải hướng tới là bộ phim đem lại giá trị nghệ thuật như thế nào”, đạo diễn “Long thành cầm giả ca” khẳng định.
 
Với thể loại remake, khen, chê còn tùy quan điểm, nhưng có một thực tế mà Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân chỉ ra là sự thực không thể phủ nhận. “Khi tính giải trí, thị trường đang chiếm thế chủ đạo, thì phim remake có vẻ như làm khởi sắc thị trường điện ảnh, bởi doanh thu rạp chiếu.
 
Tuy nhiên, khả năng tiệm cận với điện ảnh thế giới của điện ảnh Việt Nam là rất thấp. Điện ảnh chúng ta hoàn toàn thiếu vắng tại các Liên hoan khu vực vài năm trở lại đây. Hy vọng trên nền tảng số lượng phim, công nghệ làm phim hiện đại, chuyên nghiệp sẽ xuất hiện nhiều tác phẩm mang dấu ấn cá nhân, quyết liệt và độc đáo hơn để ngang bằng với mặt bằng chung của khu vực”, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân bày tỏ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm