Sáng nay 25/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. TS. Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của đại biện Ban soạn thảo, Tổ biên tập cùng nhiều đại biểu là chuyên gia đầu ngành về luật pháp.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh, Hội thảo sẽ tập trung xin ý kiến tham vấn, góp ý vào 4 vấn đề chính trong dự án luật này. Cụ thể, đó là làm sao để phát huy quyền làm chủ, trí tuệ của nhân dân trong xây dựng pháp luật, lấy được nhiều ý kiến tâm huyết của nhân dân trong xây dựng pháp luật. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội. Vai trò tham gia phản biện của Mặt trận, các tổ chức xã hội sẽ như thế nào? Đồng bộ hóa, cụ thể hóa việc lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật và trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến góp ý, chia sẻ của các chuyên gia, những nhà nghiên cứu pháp luật. Trong đó, các ý kiến tập trung vào việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, sửa đổi của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp hơn với thực tiễn.
GS.TS. Trần Ngọc Đường – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá cao công sức của Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã chuẩn bị công phu, có sức thuyết phục. Tuy nhiên, trong điều kiện ngày nay, khi trình độ dân trí được nâng lên, dân chủ pháp quyền ngày càng được đề cao, hội nhập sâu rộng, hoạt động lập pháp sẽ khó khăn, phức tạp hơn trước đây. Đòi hỏi quy trình thủ tục ban hành hết sức chặt chẽ, thận trọng, nhất là các luật đề cập đến quyền, nghĩa vụ của công dân.
Chính vì thế, “Ban soạn thảo bổ sung thêm các quy định chặt chẽ hơn, từ khâu soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm tra… tránh việc hình thức. Mở rộng phạm vi sửa đổi, đặc biệt bổ sung các quy định để phòng chống tính hình thức trong soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật”, GS.TS. Trần Ngọc Đường nêu ý kiến.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận xét, hệ thống pháp luật nước ta đã phát triển về chiều rộng, tuy nhiên số lượng thông qua nhiều nhưng chất lượng chưa tương xứng, thường xuyên thay đổi. Dự án luật lần này phải nâng cao chất lượng, phù hợp với chiều sâu.
Ông Trần Ngọc Đường cho rằng, các quy định về lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật của dự thảo còn mang tính hình thức, hô khẩu hiệu mà chưa có chế tài cụ thể, vì thế cần bổ sung chế tài, trách nhiệm chứ không nên nêu chung chung.
Cũng đề cập đến vấn đề bình đẳng giới, lồng ghép giới trong xây dựng văn bản pháp luật, đại biểu Lê Việt Trường – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận, lồng ghép giới, lấy ý kiến của nhân dân góp ý cho dự luật còn mang tính hình thức. Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần tập hợp đầy đủ ý kiến góp ý của nhân dân, tránh gọt dũa, bỏ sót ý kiến.
Đại biểu Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thì cho rằng, Ban soạn thảo cần lưu ý về các thuật ngữ, cụm từ, khái niệm cho chính xác hơn, dễ hiểu hơn. Ví dụ như như không được dùng cụm từ “chính sách” trong dự thảo luật lần này.
Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc nêu ý kiến nên mở rộng phạm vi điều chỉnh, sửa đổi vì còn có nhiều vấn đề chưa giải quyết được nếu như bó hẹp phạm vi điều chỉnh như trong dự thảo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận xét, lồng ghép giới, nhận thức về giới trong quá trình soạn thảo văn bản pháp luật vẫn chưa thực sự đầy đủ. Việc lồng ghép giới cần thực chất, tránh hình thức. Nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa góp ý cho Điều 6 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Về góp ý, phản biện xã hội ngoài MTTQ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được nêu trong dự thảo thì thì cần bổ sung một cơ quan nữa là Hội LHPN Việt Nam.
Ngoài ra, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo nên xem xét để có quy định về trẻ em giống như lồng ghép giới, bình đẳng giới để đảm bảo hơn nữa quyền lợi của trẻ em.
G.S Hoàng Thị Kim Quế cũng đồng tình quan điểm với bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nên mở rộng phạm vi sửa, bổ sung thêm thay vì chỉ sửa một số điều như dự thảo.