pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần đưa mô hình “Ngân hàng sữa mẹ” vào chi phí bảo hiểm y tế
"Ngân hàng sữa mẹ" giúp nhiều phụ nữ sau sinh giảm gánh nặng thiếu sữa
Dự án "Ngân hàng sữa mẹ" là 1 trong số 79 công trình tiêu biểu được ghi danh vào "Sách vàng sáng tạo Việt Nam" năm 2023.
Chia sẻ về dự án này, Chủ nhiệm Ngô Thị Mai Hương, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, đại diện nhóm đề tài, cho biết, sữa mẹ thanh trùng được xem là một "liều thuốc" đặc biệt, giúp nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh nặng có thêm sức khỏe, sớm về với vòng tay của gia đình. "Ngân hàng sữa mẹ" ra đời nhằm bảo đảm cho tất cả trẻ em sinh ra và đang điều trị tại bệnh viện, chưa thể bú mẹ trực tiếp, có nguồn dinh dưỡng đảm bảo, hồi phục sức khỏe nhanh hơn.
"Xu hướng các bà mẹ trẻ bây giờ thường sử dụng sữa công thức để nhanh và tiện. Chúng tôi chọn đề tài này với mong muốn nhân rộng, khuyến khích người phụ nữ biết được sữa mẹ tốt như thế nào với trẻ sơ sinh", Chủ nhiệm Mai Hương cho biết.
Đề tài được nhóm nghiên cứu ứng dụng từ khi bắt đầu thành lập "ngân hàng", thực hiện sàng lọc, bảo quản, nâng cao chất lượng sữa mẹ. Giai đoạn đầu, nhóm gặp không ít khó khăn, từ khâu vận động hiến sữa đến khâu sàng lọc. Quá trình thử nghiệm không đúng quy trình khiến sữa có tạp khuẩn, không đảm bảo chất lượng, phải bỏ đi không ít. Tuy nhiên, nhóm đã dày công nghiên cứu để đi đến một quy trình hoàn hảo từ đầu vào đến đầu ra. Theo Chủ nhiệm Mai Hương, sữa mẹ để có thể sử dụng, phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn đưa vào thanh trùng và bảo quản.
"Khi các bà mẹ đến bệnh viện, sau sinh, chúng tôi tư vấn cho con bú trong 1 giờ đầu, khi trẻ đang được áp dụng phương pháp da kề da. Sau khi về nhà, các mẹ nhiều sữa có thể hiến vào ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Đội ngũ nhân viên sẽ đến tận nhà thu gom, sàng lọc những nguồn sữa đảm bảo chất lượng, không có tạp khuẩn, vi khuẩn, nguồn bệnh lây nhiễm, sau đó thực hiện các bước đúng quy trình mới lưu trữ. Sữa này dành cho trẻ non tháng, trẻ có bệnh lý và trẻ được sinh tại bệnh viện mà mẹ chưa có sữa, tắc sữa", Chủ nhiệm Mai Hương cho biết thêm.
Quy trình vận hành "Ngân hàng sữa mẹ" được xây dựng dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế, những quy định trong Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật thiết lập và vận hành "ngân hàng sữa mẹ" của Bộ Y tế, bao gồm các bước xét nghiệm sữa mẹ hiến tặng trước và sau thanh trùng để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ sơ sinh. Các bà mẹ đăng ký hiến sữa cũng phải bảo đảm tốt các tiêu chí về sức khỏe, trong đó có yêu cầu xét nghiệm máu định kỳ.
Theo chị Mai Hương, nếu trẻ không dùng sữa mẹ hoàn toàn thì sức đề kháng sẽ giảm, sự phát triển về trí tuệ sẽ kém hơn những trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn. Đối với người mẹ, việc cho con bú cũng mang lại nhiều lợi ích như: Khi sản phụ vắt sữa thì vết mổ sẽ nhanh liền, cổ tử cung co tốt, tránh băng huyết, lấy lại vóc dáng nhanh.
Thời gian tới, các bác sĩ mong muốn tiếp tục triển khai mô hình tại các cơ sở y tế tuyến dưới và các bệnh viện tỉnh lân cận. Cùng với đó, nhóm đề xuất Bộ Y tế đưa mô hình vào chi phí bảo hiểm y tế để có nhiều trẻ sơ sinh được tiếp cận "Ngân hàng sữa mẹ", có cơ hội được phát triển tốt hơn ngay từ khi chào đời.