pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần làm gì khi liên tiếp các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng mất dấu F0?
Chiều 26/7, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo có thêm 2 ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Đây là bệnh nhân thứ 419 và 420 tại Việt Nam. Cả 2 ca nhiễm đều chưa xác định được F0 (người nhiễm Covid-19 đầu tiên).
Trước tình hình liên tiếp các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng mất dấu F0, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã đưa ra những giải pháp giúp chúng ta phòng chống dịch tốt hơn.
BS Trương Hữu Khanh: Điều quan trọng là tâm thái bình tĩnh chống dịch
Tinh thần là một yếu tố quan trọng để giữ hệ miễn dịch tốt, và hệ miễn dịch tốt là chìa khoá để phục hồi bệnh Covid-19 và các bệnh khác do virus gây ra. Vì vậy, chúng ta cần hết sức bình tĩnh, không quá lo lắng. Việc lo lắng quá mức chỉ tổn hại sức khỏe.
Những người từ vùng dịch về cần làm gì?
Chủ động theo dõi sức khỏe
Những người từ Đà Nẵng về cần chủ động theo dõi sức khỏe. Nếu có các triệu chứng sau đây cần báo ngay cho cơ quan y tế:
- Sốt cao (trên 38 độ)
- Ho
- Hụt hơi
- Khó thở
- Mệt mỏi
- Đau nhức cơ thể hay cơ bắp
- Ói mửa và buồn nôn.
Hạn chế tiếp xúc với người có yếu tố nguy cơ bệnh nặng
Những người lớn tuổi, người miễn dịch kém và những người có bệnh nền như: cao huyết áp, tiểu đường, thấp khớp, cao mỡ, hay các bệnh ung thư và tim mạch,... là nhóm người có yếu tố nguy cơ bệnh nặng.
Các bệnh mãn tính này làm hệ miễn dịch yếu đi, và khả năng bệnh nặng hoặc tử vong sẽ cao hơn. Vậy nên, hạn chế tiếp xúc là một cách để bảo vệ họ khỏi virus.
Hạn chế đến nơi có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao
BS. Trương Hữu Khanh nhận định, một số nơi có nguy cơ lây nhiễm cao bao gồm: Trên máy bay, xe khách, xe bus, khuôn viên bệnh viện, khu vực đang có người nhiễm Covid-19, vùng biên giới. Đây là những địa điểm virus dễ xuất hiện và tồn tại lâu.
Nếu dịch lan rộng, không khoanh vùng được sẽ tạo sức ép rất lớn lên hệ thống y tế, khi đó tỷ lệ tử vong sẽ tăng cao do bác sĩ không thể dồn sức, tập trung cứu chữa. Vì vậy, ngay lúc này, mọi người dân cần hạn chế đến những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, bảo vệ bản thân và gia đình.
Đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên
Đeo khẩu trang để tránh virus lây truyền từ người này sang người khác. Trong khuôn viên bệnh viện, trên máy bay, xe bus, xe khách là nơi có không khí tù, kín, cần tuyệt đối tuân thủ việc đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, sau khi di chuyển, về nhà phải rửa tay sạch bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.
Việc chưa xác định được F0 cho thấy virus có thể tồn tại ở bất kỳ nơi nào, ngay xung quanh chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần hết sức thận trọng. Phòng chống Covid-19 thực sự là một cuộc chiến và chúng ta nhất định phải chiến thắng.