pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần nâng cao nhận thức cho hội viên về chuyển đổi số trong phát triển kinh tế

Hội đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như tổ hợp tác, hợp tác xã vừa tạo việc làm vừa nâng cao vị thế cho phụ nữ nông thôn
Thiếu thông tin, kiến thức và kỹ năng trong sản xuất kinh doanh
Theo chị Lê Thị Chinh, thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) là vùng đất chủ yếu thuần nông, khi phụ nữ có mong muốn làm giàu thường gặp không ít khó khăn, nhất là hạn chế về vốn, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính thức. Tiếp theo là thiếu thông tin, kiến thức và kỹ năng trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều chị em có ý tưởng kinh doanh nhưng lại thiếu định hướng, thiếu kinh nghiệm quản lý, thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc cập nhật công nghệ mới, mô hình sản xuất hiện đại là một thách thức không nhỏ.
Ngoài ra, phụ nữ nông thôn còn chịu nhiều áp lực trong việc chăm sóc gia đình, con cái nên quỹ thời gian dành cho việc phát triển kinh tế cũng bị hạn chế. Một số chị em còn rụt rè, ngại thay đổi, thiếu tự tin khi bắt đầu khởi sự kinh doanh.

Hội cũng tổ chức các lớp đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng, tư vấn khởi sự kinh doanh, giới thiệu việc làm cho hội viên
"Dù có không ít khó khăn, song thời gian qua, Hội LHPN thị xã Kinh Môn đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hội tập trung vào các hoạt động trọng tâm như: hỗ trợ, kết nối vay vốn ưu đãi từ các nguồn Ngân hàng chính sách xã hội, quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, quỹ tín dụng nhân dân…, tạo điều kiện cho chị em có nguồn lực phát triển kinh tế gia đình. Hội cũng tổ chức các lớp đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng, tư vấn khởi sự kinh doanh, giới thiệu việc làm" - chị Lê Thị Chinh chia sẻ.
Hội đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, các mô hình sản xuất – kinh doanh, dịch vụ gia đình, tổ phụ nữ may mặc, chế biến thực phẩm, mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi thuỷ sản, gia súc, gia cầm…. "Những mô hình này không chỉ tạo việc làm ổn định mà còn nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế" - chị Lê Thị Chinh nhấn mạnh.
Ngoài ra, Hội còn tổ chức các hoạt động tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình điểm trong và ngoài tỉnh, giúp hội viên có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng vào thực tiễn.
Hỗ trợ hội viên phụ nữ vươn lên làm giàu chính đáng
Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hội viên phụ nữ vươn lên làm giàu chính đáng, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Hội LHPN thị xã đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành, thiết thực và phù hợp với từng nhóm đối tượng hội viên.
"Trước hết, Hội chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về vai trò của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế, từ đó từng bước thay đổi tư duy, thói quen trong sản xuất, kinh doanh. Hội cũng đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng bán hàng online, tiếp cận các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm" – Chủ tịch Hội LHPN thị xã Kinh Môn khẳng định.
Bên cạnh đó, Hội giới thiệu và kết nối các mô hình, sản phẩm của hội viên với chương trình ocop, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Một số mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ đã bước đầu áp dụng công nghệ số vào quản lý, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như ghi chép sổ sách điện tử, bán hàng qua các nền tảng Zalo, Facebook, Tiktok…

Nhiều chi Hội tập trung nuôi lợn nhựa tiết kiệm để giúp phụ nữ nông thôn có thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình
Cần có hỗ trợ về cơ chế, chính sách và nguồn lực từ phía Nhà nước
Theo chị Lê Thị Chinh, để hội viên, phụ nữ ở địa bàn nông thôn không gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận kiến thức, KHKT hiện đại thì rất cần có sự quan tâm, phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách và nguồn lực từ phía Nhà nước, các tổ chức chuyên môn và doanh nghiệp.
Các cấp Hội trên địa bàn thị xã Kinh Môn mong muốn tiếp tục được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về KHKT, công nghệ mới một cách thường xuyên, phù hợp với thực tiễn sản xuất tại địa phương; được hỗ trợ về hạ tầng công nghệ thông tin; tổ chức các lớp dạy kỹ năng số cơ bản để chị em có thể tiếp cận nền tảng trực tuyến để giao lưu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm qua mạng.
Hội cũng rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của chính quyền, các ngành, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ vốn, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm…, để giúp chị em phụ nữ nông thôn có thêm động lực và điều kiện vươn lên phát triển kinh tế bền vững trong thời đại số.