pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bộ Y tế khuyến cáo: Cân nhắc trước mỗi ly rượu, bia chào năm mới
Ngày 19/1, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại địa phương
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, tác hại của rượu bia đối với sức khỏe chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra. Do vậy, bất kể loại rượu bia nào cũng có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng khi sử dụng thiếu kiểm soát.
Bộ Y tế cho biết, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 có những điểm mới:
- Cấm người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.
- Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
- Không được mở mới điểm bán rượu, bia trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế và trường học.
- Hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.
- Cấm quảng cáo rượu, bia trên TV và radio trong thời gian từ 18h đến 21h hàng ngày, và trước, trong hoặc sau các chương trình dành cho thiếu nhi.
Để hạn chế tác hại của rượu bia, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục... nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Tập trung tuyên truyền các quy định về những hành vi bị nghiêm cấm; phòng chống tác hại rượu, bia đối với người chưa đủ 18 tuổi; không uống rượu, bia trước và trong khi lái xe; không uống rượu, bia trước, trong thời gian làm việc và tại nơi làm việc,…
Kiện toàn (hoặc thành lập mới) Ban chỉ đạo liên ngành về phòng, chống tác hại của rượu, bia hoặc lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia trong nhiệm vụ; lồng ghép nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bộ Y tế giao Sở Y tế là cơ quan chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại địa phương; chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai hiệu quả các biện pháp sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp giảm tác hại, chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh hoặc rối loạn chức năng do uống rượu, bia; phòng, chống nghiện, tái nghiện rượu, bia.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt vào các dịp cao điểm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.