Cần phân định rõ vai trò của lực lượng cảnh sát biển

29/05/2018 - 20:37
Đây là một trong những vấn đề được Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Bắc Giang) - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - nêu lên khi góp ý vào dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam, trong cuộc thảo luận tại tổ chiều nay, 29/5/2018 của Quốc hội.
img_1435.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (bên phải) góp ý dự thảo luật Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: D.H

 

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Cảnh sát biển trong buổi thảo luận ở tổ diễn ra chiều 29/5, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho rằng, điều khiến bà băn khoăn nhất chính là làm thế nào để sự phối hợp cũng như nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan đến bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia phát huy được hiệu quả cao nhất.

Thực tế cho thấy, hiện có nhiều lực lượng tham gia giữ gìn, thực hiện nhiệm vụ nòng cốt, bảo vệ an ninh trên biển như lực lượng hải quan, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư. Với nhiều lực lượng như hiện nay, đại biểu Thu Hà đề nghị dự luật cần phân công trách nhiệm của từng lực lượng trên biển ở mỗi vùng biển đặc thù.

“Cần quy định rõ các lực lượng cụ thể làm những nhiệm vụ cụ thể gì trên từng vùng biển như nội thủy, lãnh hải, vùng biển kinh tế hay thềm lục địa để tránh chồng chéo trong quy định nhiệm vụ từng lực lượng” – đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nêu quan điểm.

Đặc biệt, đối với hai lực lượng chủ chốt trong bảo vệ an ninh trật tự trên biển là bộ đội biên phòng và cảnh sát biển, đại biểu Thu Hà cho rằng, dự luật cần phân định rõ sự phối hợp của hai lực lượng này.

“Khoản 1 Điều 11 Dự luật quy định lực lượng cảnh sát biển hoạt động trong vùng biển Việt Nam. Trong khi đó, Điều 8 thì ghi, Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ nòng cốt là bảo vệ anh ninh quốc gia trên biển. Tôi nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành như Luật Biên giới quốc gia, Luật Công an nhân dân, Pháp lệnh Bội đội biên phòng thì thấy xác định phạm vi hoạt động hiện nay của các lực lượng hiện rất chồng chéo, chưa phân định rõ giữa các lực lượng” – bà Thu Hà nói.

Ngay trong quá trình xây dựng luật hiện nay của Quốc hội, với nhiều luật có sự liên quan chặt chẽ như Luật Quốc phòng, Luật An ninh mạng…. theo đại biểu Thu Hà nếu không đảm bảo sự thống nhất, phù hợp thực tiễn thì dẫn đến chồng chéo các lực lượng quân đội, công an và chồng chéo ngay trong lực lượng của Bộ Quốc phòng.

“Theo tôi đây chính là vấn đề lớn nhất cần phải rà soát lại đồng bộ để làm sao ko có sự chồng chéo, đảm bảo thực hiện tốt chủ quyền an ninh biên giới, vừa thực hiện việc phối hợp, làm tốt nhiệm vụ trên biển của các lực lượng được quy định trong pháp luật hiện nay. Đơn cử như việc nếu ban hành Luật Cảnh sát biển thì Pháp lệnh Bộ đội biên phòng hiện nay liệu có sửa đổi hay không và thay đổi như thế nào cho phù hợp?” – đại biểu Thu Hà góp ý kiến.

canh-sat-bien.jpg
Tàu CSB 8004 hành trình trên biển.
 

Trước đó, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 4, tờ trình của Chính phủ nêu rõ sự cấp bách trong xây dựng Luật cảnh sát biển Việt Nam.Theo đó, biển Đông được đánh giá là một trong những vùng biển có nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới, không chỉ liên quan đến lợi ích của nhiều nước ven biển Đông, mà còn liên quan đến lợi ích chính trị của nhiều cường quốc hải dương trên thế giới.

Tuy nhiên, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất về cảnh sát biển Việt Nam hiện nay mới là pháp lệnh nên hiệu lực thi hành chưa cao, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới. Bên cạnh đó, pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Do vậy, việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam là cấp bách và cần thiết.

Gồm 8 chương, 49 điều, dư thảo luật quy định vị trí, vai trò, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và phối hợp hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, các hành vi bị nghiêm cấm.

Dự thảo cũng quy định 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của cảnh sát biển Việt Nam; xác định phạm vi hoạt động, quyền hạn và biện pháp công tác Cảnh sát biển Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm