Cần quy định tỷ lệ phân bổ đầu tư cơ sở hạ tầng với phát triển sản xuất, an sinh xã hội trong Chương trình mục tiêu quốc gia

PV
08/01/2024 - 16:14
Cần quy định tỷ lệ phân bổ đầu tư cơ sở hạ tầng với phát triển sản xuất, an sinh xã hội trong Chương trình mục tiêu quốc gia

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thảo luận tại phiên họp

Tại Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 8/1/2024, một số đại biểu cho rằng: Để tránh tùy tiện trong phân bổ lại ở các địa phương, cần bổ sung quy định nguyên tắc tỷ lệ phân bổ nhất định dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, các hoạt động phát triển sản xuất và an sinh xã hội khác (ví dụ tỷ lệ 50%/50%).

Phiên làm việc buổi chiều 8/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Kết quả thực hiện giai đoạn 2021 - 2023, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân vốn sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp do cơ chế giao chi thường xuyên ngân sách trung ương cho các địa phương chi tiết đến dự án thành phần, lĩnh vực chi nhưng không có cơ chế cho các địa phương được thực hiện điều chỉnh, dự toán kế hoạch (đặc biệt là điều chỉnh vốn được kéo dài).

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này của các địa phương, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cần quy định tỷ lệ phân bổ đầu tư cơ sở hạ tầng với phát triển sản xuất, an sinh xã hội trong Chương trình mục tiêu quốc gia- Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K'đăm cho biết: Về các cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia quy định tại Điều 4, tại khoản 1 của Điều này, Hội đồng Dân tộc cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ tại điểm a, b và c, nhưng đề nghị Chính phủ cần làm rõ việc xác định bảo đảm tổng nguồn là căn cứ quan trọng để các địa phương có sơ sở thực hiện.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung, viết rõ hơn: "Căn cứ vào tình hình thực tiễn địa phương được phép điều chỉnh, phân bổ lại dự toán, kế hoạch vốn từ năm 2021, 2022, 2023 được kéo dài sang năm 2024, mà không nhất thiết căn cứ vào kế hoạch, danh mục dự án đã được duyệt trước đây".

Cần quy định tỷ lệ phân bổ đầu tư cơ sở hạ tầng với phát triển sản xuất, an sinh xã hội trong Chương trình mục tiêu quốc gia- Ảnh 2.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K'đăm

Để tránh tùy tiện trong phân bổ lại ở các địa phương, cần bổ sung quy định nguyên tắc tỷ lệ phân bổ nhất định dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, các hoạt động phát triển sản xuất và an sinh xã hội khác (ví dụ tỷ lệ 50%/50%). Quy định này sẽ kiểm soát bảo đảm CTMTQG đi đúng nguyên tắc, công bằng giữa các địa phương.

Tại khoản 3, về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, Hội đồng Dân tộc thống nhất với dự thảo và một số ý kiến tham gia thẩm tra là giao Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể: Quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất đối với các địa phương chưa có nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về vấn đề này; Điều chỉnh trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất đối với các địa phương đã ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về vấn đề này và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất. Việc ban hành chính sách này sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong việc ban hành và điều chỉnh trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ…

Cần quy định tỷ lệ phân bổ đầu tư cơ sở hạ tầng với phát triển sản xuất, an sinh xã hội trong Chương trình mục tiêu quốc gia- Ảnh 3.

Các đại biểu tại phiên họp

Về tên gọi của Nghị quyết, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình sử dụng tên gọi là Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Như vậy sẽ ngắn gọn hơn, và không nên dùng từ "thí điểm" vì các chính sách tương đối rõ, dùng từ "đặc thù" hợp lý hơn.

Theo điểm b Điều 2 khoản 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần làm rõ cơ chế nào, chính sách nào là mới và đặc thù, tránh những nội dung thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ nếu đưa vào Nghị quyết thì không đúng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm