pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cẩn thận với 12 nguyên nhân gây ho dai dẳng không dứt cần khám ngay

Theo Health, dưới đây là những thông tin về nguyên nhân gây ho lâu ngày, ho kéo dài không dứt cũng như các dấu hiệu cho thấy cơn ho nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng cần khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Các cơn ho kéo dài có thể là ho khan hoặc ho có đờm. Có thể kèm theo các triệu chứng như: Đau ở vùng đầu mặt, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, sốt, chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng,... nếu liên quan tới các nhiễm trùng đường hô hấp hoặc các triệu chứng đặc trưng khác tùy thuộc vào bệnh lý gây ra.

Ho lâu ngày, ho dai dẳng không dứt là bệnh gì? Ảnh: ST
1. Nguyên nhân gây ho lâu ngày, ho dai dẳng không dứt là do đâu?
Trước tiên, bạn cần biết rằng, ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể giúp bảo vệ đường hô hấp trước các tác nhân như vi khuẩn, virus, nấm mốc hay các chất gây dị ứng khác. Thỉnh thoảng bị ho hoặc bị ho trung bình từ 9 đến 11 ngày là bình thường. Nhưng với các cơn ho lâu ngày dai dẳng trên 3 tuần sau các nhiễm trùng đường hô hấp trên đã khỏi (như cảm lạnh, cúm,...) thậm chí tới 8 tuần hoặc lâu hơn mà không thuyên giảm dù đã sử dụng thuốc thì cần chú ý.
- Chảy dịch mũi sau: Chảy dịch mũi sau do viêm mũi dị ứng, viêm xoang, polyp mũi hoặc các dị dạng cấu trúc mũi là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng ho kéo dài. Các tình trạng này khiến niêm mạc mũi bị kích ứng kích thích chất nhầy chảy từ mũi xuống họng, nhất là khi nằm xuống dẫn tới các cơn ho.
Ho liên quan đến chảy dịch mũi sau có thể cải thiện khi sử dụng thuốc thông mũi, thuốc kháng histamine dạng uống hoặc dạng xịt mũi, glucocorticoid dạng xịt mũi hoặc dạng xịt mũi. Phương pháp điều trị tốt nhất (hoặc kết hợp các phương pháp điều trị) phụ thuộc vào các triệu chứng và tiền sử bệnh của bản thân.
- Bệnh hen suyễn: Hen suyễn là một căn bệnh mãn tính ảnh hưởng đến phổi. Bệnh hen suyễn khiến các cơ xung quanh đường thở bị thít chặt lại, lớp lót đường thở bị sưng lên và tăng tiết chất nhầy đặc hơn. Ho do hen suyễn xảy ra khi cơ thể cố gắng đưa không khi vào những vùng bị thít chặt đó. Các tác nhân gây bệnh hen suyễn có thể kể đến như một số loại thực phẩm hoặc chất kích thích trong không khí dẫn đến bùng phát cơn hen suyễn gồm khò khè, khó thở, tức ngực và ho vào ban đêm hoặc sáng sớm. Ho hen suyễn sẽ không thuyên giảm khi dùng thuốc không kê đơn mà cần điều trị bằng thuốc xịt kê đơn để kiểm soát cơn ho.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể gặp phải triệu chứng ho kéo dài cùng triệu chứng điển hình như ợ chua, ợ nóng, đau rát ngực hay thở khò khè. Cơn ho có thể nghiêm trọng hơn vào ban đêm khi nằm xuống do niêm mạc họng bị kích thích do axit trào ngược lên. Nếu sử dụng thuốc điều trị GERD trong 2 - 8 tuần mà tình trạng ho lâu ngày không thuyên giảm thì cần khám bác sĩ. Các khuyến nghị khác giúp giảm ho do GERD có thể bao gồm việc kê cao đối đầu khi nằm xuống và không ăn trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: Các vấn đề về phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là nguyên nhân gây ho kéo dài, ho dai dẳng, nhất là khi bệnh bùng phát khiến đường thở liên tục bị kích thích, sưng viêm. Mức độ nghiêm trọng của bệnh tùy thuộc vào phân loại (khí phế thũng, viêm phế quản mãn tính) cũng như thể trạng sức khỏe của từng người.
- Ô nhiễm không khí: Nhiều chất gây ô nhiễm và chất kích thích trong không khí có thể gây ra tình trạng ho dai dẳng. Ngay cả khi tiếp xúc với khói trong thời gian ngắn cũng có thể gây ho, đờm và kích ứng phổi. Hơn nữa, khói cũng là tác nhân đã được chứng minh là có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng hoặc hen suyễn. Các bào tử nấm mốc tìm thấy trong và xung quanh nhà cũng có thể gây ra chứng thở khò khè và ho nếu bạn hít phải chúng.

Người hút thuốc, đặc biệt là người nghiện thuốc lâu năm thường bị ho như một phản ứng tự nhiên của cơ thể (Ảnh: ST)
- Hút thuốc: Người hút thuốc, đặc biệt là người nghiện thuốc lâu năm thường bị ho như một phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm loại bỏ các hóa chất độc hại xâm nhập vào đường thở và phổi. Tình trạng này còn được gọi là bệnh ho của người hút thuốc (smoker's cough). Các chất độc này có thể phá hỏng niêm mạc phổi và gây ra các triệu chứng của viêm phế quản, như ho và chất nhầy dư thừa. Cơn ho ban đầu là ho khan nhưng sau đó chuyển thành ho có đờm nặng hơn vào buổi sáng, người bệnh thường xuyên phải khạc họng. Nhưng tình trạng này có thể cải thiện khi ngừng hút thuốc và bạn có thể nhận thấy tình trạng ho giảm trong tháng đầu tiên sau khi bỏ thuốc.
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên: Cảm lạnh, cúm và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên khác có thể gây ho và ho do nhiễm trùng đường hô hấp có thể kéo dài hơn nhiều triệu chứng bệnh khác như sốt, sổ mũi, nghẹt mũi, đau mỏi người,... Loại ho dai dẳng này thường sẽ tự khỏi. Nhưng dùng thuốc để giảm ho, viêm và chất nhầy có thể hữu ích để làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, khi xuất hiện bội nhiễm xuống đường hô hấp dưới thì tình trạng ho có thể nặng hơn kèm theo khó thở, thở nhanh, thở khò khè,... và cần được kiểm tra sức khỏe sớm.
- Thuốc ức chế ACE: Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) sử dụng trong điều trị suy tim và huyết áp cao. Những loại thuốc này thường gây ho khan dai dẳng. Tuy nhiên, người bệnh dùng thuốc bị ho kéo dài nên nói chuyện với bác sĩ để nhận được lời khuyên về cách giảm tác dụng phụ này hoặc thuốc thay thế, tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc.
- Bệnh ho gà: Ho gà là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp dễ lây lan do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Người bị bệnh ho gà có đặc trưng là những cơn ho rũ rượi kèm theo thở khò khè và tiếng rít khi thở như tiếng gà gáy. Ho do bệnh ho gà có thể kéo dài tới vài tuần.

Ho gà là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp dễ lây lan (Ảnh: ST)
- Nhiễm trùng đường hô hấp dưới: Cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng ho lâu ngày kéo dài không khỏi là bệnh gì, bao gồm: viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản do virus, vi khuẩn hoặc nhiễm nấm mốc gây ra. Các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới có thể kể đến như ho dữ dội, sốt cao, khó thở, thở nhanh, thở khò khè, tức ngực.
- Ung thư phổi: Theo VeryWell Health, thống kê cho thấy khoảng 2% người bị ho dai dẳng là do ung thư phổi và khoảng 57% người bị ung thư phổi xuất hiện triệu chứng ho. Điều này được giải thích là do khối u ung thư phổi phát triển chèn ép hô hấp khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc loại bỏ chất nhầy, từ đó gây ra nhiễm trùng phổi và ho kéo dài. Để đánh giá chính xác nguyên nhân gây ho kéo dài có phải do ung thư phổi không thì cần dựa vào sinh thiết tế bào phổi và kèm theo đánh giá các triệu chứng ung thư như: Sốt kéo dài, chán ăn, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, sụt cân không chủ đích, đau tức ngực, thở khò khè, khàn giọng,...
Ho do ung thư phổi ban đầu thường là ho khan sau đó chuyển sang ho có đờm kéo dài, lúc nào cũng có cảm giác ngứa ngáy trong cổ họng và phải khạc nhổ thường xuyên; thậm chí sau đó là các cơn ho dữ dội hơn có lẫn máu hoặc các chất nhầy dạng giống thạch.
- Suy tim: Sự tích tụ dịch trong phổi do suy tim có thể dẫn đến ho dai dẳng hoặc thở khò khè có đờm lẫn máu.

Sự tích tụ dịch trong phổi do suy tim có thể dẫn đến ho dai dẳng (Ảnh: ST)
- Bệnh lao: Do một loại vi khuẩn có tên là Mycobacterium Tuberculosis xâm nhập và tấn công vào cơ thể. Ho lao thường là ho khạc đờm kéo dài kèm theo ho ra máu, tức ngực, khó thở, sốt về chiều, đổ mồ hôi nhiều về đêm, chán ăn, mệt mỏi và sụt cân.
2. Ho lâu ngày, ho dai dẳng khi nào cần khám bác sĩ?
Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây ho lâu ngày kéo dài không dứt là bệnh gì mà điều trị sẽ có sự khác biệt. Ho mãn tính kéo dài nếu không được điều trị sẽ dẫn tới nhiều biến chứng sức khỏe và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Do đó, nếu cơn ho kéo dài hơn 3 tuần kèm theo các triệu chứng như sốt kéo dài, ho ra máu, đau tức ngực khó thở, khó ngủ do ho nhiều, giảm cân không rõ nguyên nhân, vã mồ hôi đêm, yếu liệt chức năng vận động, buồn nôn và nôn mửa liên tục thì cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được đánh giá chính xác nguyên nhân gây ho kéo dài không khỏi là bệnh gì. Ho liên quan đến dị ứng hoặc thậm chí là cảm lạnh thông thường cũng có thể kéo dài hàng tháng, nhưng bạn không nên bỏ qua mà không thăm khám.
Tại cơ sở y tế, hãy cho bác sĩ biết về tình trạng ho của bạn đã kéo dài bao lâu, điều gì khiến cơn ho tăng nặng hoặc giảm nhẹ, ho khan hay ho có đờm, ho có lẫn máu không, các triệu chứng kèm theo cơn ho kéo dài là gì, có tiền sử bệnh không, có đang sử dụng thuốc không, trong gia đình có ai có các triệu chứng tương tự không,...
Với những nguyên nhân thông thường, bác sĩ có thể kê đơn và tư vấn lối sống để điều trị giảm bớt và kiểm soát tình trạng ho kéo dài. Nhưng các tình trạng không phổ biến nhưng nghiêm trọng có thể gây ho mãn tính, ho lâu ngày bao gồm ung thư, bệnh phổi, nhiễm nấm hoặc suy tim thì cần được can thiệp càng sớm càng tốt.