Cẩn thận với loại giun này khi đi chân trần trên cát biển

Châu Anh (tổng hợp)
21/06/2023 - 12:00
Cẩn thận với loại giun này khi đi chân trần trên cát biển
Các bãi biển là địa điểm du lịch ưa thích của nhiều gia đình khi vào hè. Tuy nhiên, có một số nguy cơ nhiễm bệnh tiềm ẩn từ cát biển, trong đó có loại giun nguy hiểm này!

Theo Live Science, ở một số bãi biển nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, khi đi bộ bằng chân trần trên bãi biển bạn có thể bị nhiễm giun móc - loại ký sinh trùng lây nhiễm cho cả người và động vật. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), một số loài giun móc thường lây nhiễm cho chó và mèo (Ancylostoma braziliense và Ancylostoma caninum) có thể truyền sang người qua cát hoặc đất bị ô nhiễm.

Điều này xảy ra là do động vật bị nhiễm giun móc và đại tiện ra cát biển kèm theo trứng giun móc trong phân của chúng. Việc đi chân trần trên cát tạo điều kiện thuận lợi cho ấu trùng giun móc chui vào lớp da không được bảo vệ và di chuyển xung quanh biểu mô trên cùng của da. Mặc dù con người không phải là vật chủ thông thường của giun móc ở động vật và chúng thường sống không quá 6 tuần để hoàn thiện vòng đời ở người nhưng bạn vẫn cần cẩn thận nếu có thói quen này.

Cẩn thận với loại giun này khi đi chân trần trên cát biển - Ảnh 1.

Bàn chân nhiễm giun móc trong cát bãi biển (Ảnh minh họa: Internet)

Dưới đây là một số thông tin về giun móc mà bạn có thể tham khảo.

1. Giun móc là gì?

Theo CDC ước tính, có khoảng 576 - 740 triệu người trên thế giới bị nhiễm giun móc. Cùng với giun đũa và giun tóc thì giun móc cũng được xếp vào nhóm giun ký sinh truyền qua đất, cát bị nhiễm giun (giun tròn).

Giun móc có hình chữ S với phần đầu phía trước uốn cong, màu trắng hồng (móc - giúp bám vào thành ruột). Giun móc đực trưởng thành có kích thước dài từ 8-11 mm, trong khi giun móc cái trưởng thành có kích thước dài từ 10-13 mm. 

Giun móc cái có đuôi thon, đuôi con đực xòe ra như chân vịt do các gân cứng cáp tạo nên. Giun móc có gân sau phân nhánh và có gai sinh dục. Cơ quan sinh dục của giun móc phát triển, con cái có hai buồng trứng, con đực có tinh hoàn và ống dẫn tinh. Cả giun móc đực và cái đều có 2 răng bụng khỏe ở dạng trưởng thành của ký sinh trùng.

Cẩn thận với loại giun này khi đi chân trần trên cát biển - Ảnh 2.

Hình ảnh giun móc dưới kính hiển vi (Ảnh: CDC Hoa Kỳ)

Giun móc sống trong ruột non. Trứng giun móc được truyền qua phân của người hoặc động vật bị nhiễm bệnh bằng cách lắng đóng trên đất, cát. Sau đó trứng giun trưởng thành và nở ra, giải phóng ấu trùng giun chưa trưởng thành có khả năng xuyên qua da người. Ngoài đường lây truyền qua đất cát nhiễm khuẩn khi tiếp xúc với da người thì một số loại giun móc cũng có thể lây truyền qua việc ăn phải ấu trùng giun.

Ai có nguy cơ mắc bệnh giun móc?

Bệnh giun móc có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Trong đó những nhóm dưới đây có nguy cơ nhiễm giun móc cao hơn:

- Các khu vực ấm áp, nhiệt đới và cận nhiệt đới

- Nơi có điều kiện vệ sinh kém

- Nơi phân động vật/người được sử dụng làm phân bón.

- Phụ nữ đang mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ

- Người có công việc thường xuyên tiếp xúc với đất cá như nông dân

- Người có thói quen đi bộ chân trần trên cát.

Cẩn thận với loại giun này khi đi chân trần trên cát biển - Ảnh 3.

Ấu trùng giun móc di chuyển tạo thành các dải đỏ dưới da (Ảnh: Internet)

2. Triệu chứng nhiễm giun móc

Sau khi bị ấu trùng giun móc ở động vật xâm nhập qua da, ấu trùng giun sẽ di chuyển khắp cơ thể và gây ra các triệu chứng bao gồm:

- Phát ban da ở bàn chân, nơi ấu trùng giun xâm nhập vào đầu tiên. Với dạng nhiễm ấu trùng giun móc dưới da (giun móc thích vật chủ là động vật) thì ấu trùng giun sẽ không di chuyển nhiều trong cơ thể mà sẽ loanh quanh ở ngay dưới bề mặt da của người nhiễm và không phát triển tốt ở người. Phát ban da dạng ấu trùng dưới da này có thể kèm theo nhiễm trùng da hoặc lở loét, ngứa dữ dội và có đường dải đỏ ngay bề mặt da.

Cẩn thận với loại giun này khi đi chân trần trên cát biển - Ảnh 4.

Phát ban dạng ấu trùng giun móc dưới da (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên với ấu trùng trưởng thành trong ruột non người (Ancylostoma duodenale hoặc là Necator americanus) đi qua mạch máu tới phổi, xâm nhập vào các phế nang, leo lên vùng thượng vị, bị nuốt phải và có thể gắn vào thành ruột - sinh sống trưởng thành tại đây bằng máu của người. Một con giun móc trưởng thành có thể sống trên 2 năm gây ra các triệu chứng sức khỏe trầm trọng khác.

- Sốt

- Ho hoặc thở khò khè

- Đau bụng

- Ăn không ngon

- Tiêu chảy

- Giảm cân bất thường

- Thiếu máu.

Cũng có nhiều trường hợp bị nhiễm giun móc không có triệu chứng hoặc triệu chứng ban đầu nhẹ, dễ bị bỏ qua. Tới khi triệu chứng tiến triển thì nhiễm trùng đã nặng hơn. Như đã nói ở trên, do giun móc hút máu trong ruột, nhiễm trùng nặng xảy ra không được điều trị sẽ dẫn tới mất máu, làm tăng nguy cơ thiếu máu và bệnh Ascites (cổ trướng) do mất protein nghiêm trọng dẫn tới tích tụ chất lỏng trong bụng.

Người bị thiếu máu nặng sẽ có các biểu hiện chóng mặt, mệt mỏi, da nhợt nhạt, tim đập nhanh, đau ngược, đau đầu, thở hụt hơi, tay chân lạnh, chuột rút cơ, khó thở và đau ngực. Đối với trẻ nhỏ, nếu bị nhiễm giun móc trong thời gian dài có thể gặp phải những ảnh hưởng nặng nề do thiếu sắt và protein như chậm phát triển cả về thể chất và tinh thần.

Cẩn thận với loại giun này khi đi chân trần trên cát biển - Ảnh 5.

Giun móc ký sinh hút máu để sinh sống có thể gây thiếu máu nặng (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, với trường hợp ấu trùng "đi lạc" không tới được ruột có thể xâm nhập vào các cơ quan khác và gây nguy hiểm. Chẳng hạn như ấu trùng đi vào mạch máu tới tim, phổi, mắt (gây mù), não (đau đầu, tăng áp lực nội sọ)…

Bệnh giun móc được chẩn đoán như thế nào?

Nếu bạn có các triệu chứng nhiễm giun móc, bạn sẽ được chỉ định xét nghiệm mẫu phân dưới kính hiển vi để tìm trứng giun móc. Xét nghiệm công thức máu toàn bộ cũng cho thấy chỉ số bạch cầu ái toan (tăng bạch cầu ái toan) cao hơn số lượng bạch cầu bình thường. Dấu hiệu bệnh giun móc này có thể xuất hiện vài tuần trước khi trứng có trong phân của người nhiễm.

3. Điều trị bệnh giun móc

Nếu xét nghiệm cho thấy bạn bị nhiễm giun móc, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị theo đơn và trong hầu hết các trường hợp người bệnh sẽ uống thuốc tẩy giun trong 1 - 7 ngày hoặc có thể lâu hơn tới 5 - 6 tuần. Các loại thuốc tẩy giun (loại bỏ, tiêu diệt giun ký sinh) trong trường hợp nhiễm giun móc ruột hay ấu trùng giun di chuyển ở da phổ biến là:

- Mebendazole

- Albendazol.

Ngoài ra nếu bạn bị thiếu máu, bác sĩ sẽ kê thêm sắt để điều trị. Nếu bị cổ trướng, bác sĩ có thể yêu cầu bổ sung thêm protein vào chế độ ăn uống. Hoặc tùy theo trường hợp thiếu dinh dưỡng của bạn sẽ có thuốc bổ sung phù hợp. 

Với thuốc điều trị thích hợp, bệnh giun móc sẽ dễ dàng được chữa khỏi. Đa phần các triệu chứng - bao gồm cả thiếu máu - sẽ biến mất sau khi hết nhiễm trùng. Hiếm khi giun móc gây thiếu máu nặng và suy tim xung huyết. Những trường hợp này sẽ cần phải điều trị tại bệnh viện.

Cẩn thận với loại giun này khi đi chân trần trên cát biển - Ảnh 6.

Sử dụng thuốc tẩy ký sinh trùng để điều trị giun móc (Ảnh: Internet)

4. Phòng ngừa bệnh giun móc

Để phòng ngừa giun móc, bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm bằng cách

- Mang giày dép ở những nơi đi bộ ngoài trời, đặc biệt là những khu vực có thể lẫn phân trong đất, cát như nông trại, ruộng, bãi biển, công viên...

- Uống nước sạch, được đun sôi

- Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, rửa sạch và nấu chín thức ăn trước khi ăn

- Rửa tay và vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Ở những nơi đất, cát có nguy cơ ô nhiễm cao thì việc cải thiện và xử lý nguồn nước thải cũng như giảm tần suất vệ sinh ngoài trời sẽ giúp giảm số ca nhiễm. Nên ưu tiên điều trị dự phòng cho trẻ nhỏ, phụ nữ trong độ tuổi mang thai và sinh đẻ, phụ nữ đang cho con bú hay người làm ở các ngành nghề có nguy cơ nhiễm giun móc cao ở các khu vực này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm