Cẩn trọng với bệnh xuất huyết tiêu hóa khi thời tiết giao mùa

22/02/2019 - 00:00
Xuất huyết tiêu hóa là một bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Đây cũng là một cấp cứu nội khoa và ngoại khoa hay gặp trong khi thời tiết giao mùa.
489733138.jpg
Ảnh minh họa

 

TS.BS Dương Trọng Hiền – Phó Trưởng khoa Cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức cho biết, khi phát hiện bị xuất huyết tiêu hóa, người bệnh cần tìm nguyên nhân, cầm máu và điều trị ngay.

Khi chảy máu ở dạ dày, tá tràng sẽ dùng thuốc cầm máu hàng PPI là thuốc đặc trị nhằm giảm lượng axit trong dạ dày, cũng như làm cho cục máu đông trong dạ dày được bền vững và lành tổn thương ở niêm mạc. 

Đối với trường hợp chảy máu ồ ạt thì sẽ sử dụng biện pháp nội soi điện cầm máu, tiêm xơ dưới ổ loét hoặc dùng lisp để xử lý. Nếu những biện pháp này không giúp cầm máu thì phải tiến hành phẫu thuật với những tổn thương rõ ràng như loét, ung thư, thủng các động mạch lớn thì phẫu thuật cấp cứu vừa điều trị cầm máu vừa điều trị được nguyên nhân gây ra.

 Việc điều trị ngày nay khá dễ dàng thường quy theo điều trị chuẩn hóa và cơ bản đều thành công. Các bác sĩ sẽ giảm thiểu nguy cơ gây tái phát bệnh của người bệnh.

 

 Theo bác sĩ Hiền, xuất huyết tiêu hóa là một tình trạng trong đường ống tiêu hóa có xuất hiện máu từ các mạch máu chảy ra. Hệ thống đường ống tiêu hóa bắt đầu từ khoang miệng, đến thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng và rất nhiều các cơ quan tham gia vào hệ thống tiêu hóa như gan và tụy.

 
Với các tổn thương nằm trên hệ thống ống tiêu hóa này thì đều có thể bị tổn thương và gây chảy máu ở lòng ống tiêu hóa. Bệnh nhân có thể chảy máu từ đoạn thực quản, dạ dày, gan, mật, tụy, tá tràng gọi là xuất huyết tiêu hóa cao. Hoặc bị xuất huyết ở phía dưới như ruột non, đại tràng gọi là xuất huyết tiêu hóa thấp.
 
Với mỗi loại tổn thương khác nhau thì mức độ xuất hiện các triệu chứng và các biểu hiện của hệ thống đường tiêu hóa khác nhau.
 
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỉ lệ mắc bệnh xuất huyết tiêu hóa là nam 60%, nữ là 40%. Sở dĩ nam giới bị nhiều hơn chủ yếu là do sử dụng rượu, bia, thuốc lá và ăn uống không điều độ.
 
Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa
 
Có 2 trường hợp:
- Xuất huyết tiêu hóa cấp tính: Xuất hiện từ mức độ nhẹ cho đến rất nặng, thông thường những trường hợp chảy máu cấp tính nếu xuất huyết tiêu hóa cao thì bệnh nhân sẽ nôn ra máu đỏ tươi hoặc máu đen lẫn thức ăn. Trong một số trường hợp, chảy máu từ những dạng đặc biệt như đường mật nôn ra máu cục dưới dạng thỏi bút chì. Cũng có trường hợp chảy máu ở dạng tầng thấp như đi ngoài ra máu đỏ tươi hoặc nâu đỏ. Lượng máu chảy ra ồ ạt ảnh hưởng tới tình trang huyết động, tưới máu ở các cơ quan trong cơ thể. Đặc biệt với thần kinh, bệnh nhân sẽ cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, ngất... Ngay cả trong tình trạng này, máu có thể chảy rỉ rả và báo hiệu bệnh nhân biểu hiện người mệt, niêm mạc xanh xao, đi ngoài phân đen.
 
- Xuất huyết tiêu hóa mạn tính: Xuất huyết tiêu hóa rỉ rả kéo dài vài tháng, có thể liên quan đến các bệnh lý như ung thư đường tiêu hóa.
 

Lưu ý dành cho bệnh nhân: 

Với các bệnh nhân đã điều trị rối loạn tiêu hóa, dạ dày, hành tá tràng thì cần có những phương pháp phòng tránh cho bệnh. Mọi người hãy luôn luôn lắng nghe cơ thể của mình để phát hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đau vùng thượng vị, chán ăn, đầy hơi, ợ hơi, ợ chua, hoặc rối loạn đại tiện, đau co thắt… cần đi thăm khám ngay để giảm thiểu tình trạng này tránh để đến mức xuất huyết tiêu hóa.

 Hiện tại, tình trạng bệnh xảy ra ở giới trẻ có liên quan đến 2 bệnh lý chính với 2 tổn thương hay gặp ở dạ dày và đại tràng. Ở dạ dày có thể loét, chảy máu, liên quan đến vi khuẩn HP, sử dụng các thuốc điều trị khớp và tim mạch, sinh hoạt như lao động, stress… Còn ở đại tràng liên quan đến các rối loạn do hội chứng ruột kích thích ở đại tràng hoặc tự miễn, ung thư, polip đại tràng.

 Hiện tượng xuất huyết tiêu hóa sẽ xảy ra khi đường tiêu hóa đang có những tổn thương nghiêm trọng. Tùy vào mức độ tổn thương thì tình trạng chảy máu có thể diễn ra nhẹ, âm thầm, rỉ rả đến ồ ạt, gây mất máu và đe dọa đến tính mạng bệnh nhân nếu không được cấp cứu kịp thời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm