Cần “vaccine” đặc hiệu để chống tin giả

Hà Khê
09/08/2021 - 14:22
Cần “vaccine” đặc hiệu để chống tin giả

Người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống tin giả. Ảnh minh họa

Không tin ngay; không vội bấm “thích”; không thêm thắt; không kích động; không vội chia sẻ, đó là biện pháp “5K” cần thiết mà mỗi người dân cần thực hiện khi tham gia không gian mạng.

Tràn lan tin giả

Khi cả nước đang tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch thì trên không gian mạng đang lây lan một thứ virus độc hại – đó là virus tin giả.

"Một ca F0 ở Hà Nội, có gần 800 ca liên quan tới 18 quận, huyện ở Hà Nội...", "Sáng mai Hà Nội có khoảng 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt, đi đâu cũng phải đầy đủ giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh đi ra đường có lý do cần thiết. Cả nhà tag và chia sẻ cho nhau biết nhé". Đó là 2 trong rất nhiều tin giả tràn lan trên mạng xã hội thời gian gần đây.

"Hà Nội lập khoảng 3.000 chốt" là thông tin mà tài khoản facebook Kim Thùy chia sẻ trên nhóm "Bán giỏi và Mua khéo". Nhóm này có hơn 700.000 thành viên. Thông tin này hoàn toàn sai sự thật. Thế nhưng, khi các thành viên đề nghị admin kiểm tra lại tính xác thực của thông tin, bởi nếu đưa tin sai thì có thể bị xử phạt, Kim Thùy còn lên giọng thách thức tất cả. Thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội đã mời chủ tài khoản Kim Thùy lên làm việc. Tại đây, cô gái này đã thừa nhận sai sót của mình. Sau đó, cơ quan chức năng đã xử phạt chủ tài khoản này số tiền 12,5 triệu đồng.

Trước đó, một tài khoản facebook khá nổi tiếng khác là Trác Thúy Miêu cũng bị Sở Thông tin & Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh xử phạt vì đăng tin sai sự thật. Vừa qua, Sở này vừa yêu cầu chủ tài khoản facebook Hằng Nguyễn lên làm việc, xử lý hành chính vì trên trang cá nhân của mình, bà Hằng đã có lời lẽ miệt thị người dân thành phố Hồ Chí Minh. Thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông thành phố đã xử phạt chủ tài khoản này theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ - CP của Chính phủ.

Theo thống kê của Bộ Thông tin & Truyền thông, từ tháng 1/2021 đến nay, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (trực thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông) đã xác thực thông tin và công bố 33 tin giả, tin sai sự thật. Trong trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm thì Bộ Thông tin & Truyền thông gửi yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Youtube, Facebook thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư số 38.

Chỉ tính riêng trong thời gian có dịch Covid-19, Bộ Thông tin & Truyền thông đã đề nghị Google, Youtube, Facebook gỡ 11 tài khoản giả mạo Bộ Y tế, 152 bài viết đưa tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19. Thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đã xử lý vi phạm việc cung cấp thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên mạng xã hội tại một số địa phương. Cụ thể: Năm 2020 đã xử lý 122 vụ việc tại 21 tỉnh/ thành phố; quý I/2021 xử lý 57 vụ việc tại 13 tỉnh/thành phố.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Cương, Phó trưởng phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), cho rằng, tung tin giả, tin đồn nhảm lên mạng xã hội là hành vi rất nguy hiểm, không chỉ xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác mà còn là sự tấn công trực tiếp vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đối tượng Phan Hữu Điệp Anh bị khởi tố, bắt giam vì đăng tin bịa đặt

Đối tượng Phan Hữu Điệp Anh bị khởi tố, bắt giam vì đăng tin bịa đặt

Diệt "virus" tin giả: 5K + ý thức

Trước thực trạng này, Bộ Thông tin & Truyền thông đã gửi công văn đến các bộ, ngành, địa phương đề nghị các đơn vị triển khai hiệu quả Nghị quyết 78/NQ-CP của Chính phủ, tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 trên mạng. Công văn nêu rõ: "Thời gian qua, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vaccine phòng Covid-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương... Nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa. Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip "tự phát" được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng, chống dịch bệnh; gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội... Nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước".

Vì vậy, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông căn cứ thẩm quyền được giao xử lý nghiêm các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đăng tải, phát tán tin giả, tin sai sự thật, gây hoang mang, hiểu lầm về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

Theo quy định, hành vi tung tin giả có thể bị xử phạt hình sự từ 3 tháng đến 7 năm tù. Quy định của pháp luật về vấn đề này khá nghiêm minh, tuy nhiên cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại vì thông tin sai sự thật đối với cá nhân, tổ chức. Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, thực tế, những cá nhân, tổ chức khi bị thiệt hại vì tin giả thì việc khởi kiện ra tòa án hay yêu cầu bồi thường thiệt hại tại tòa án rất khó để thực hiện. Bởi vì họ không dễ chứng minh được thiệt hại do tin giả gây ra. Đây có lẽ là một lỗ hổng mà pháp luật cần bổ sung để đảm bảo tính nghiêm minh.

Đối với "virus" tin giả, người dân cần thực hiện "5K": Không tin ngay; không vội bấm thích; không thêm thắt; không kích động; không vội chia sẻ. "Vaccine" để phòng tránh vấn nạn này chính là ý thức trách nhiệm và cái đầu tỉnh táo của mỗi chúng ta.

Bị khởi tố, bắt tạm giam vì đăng tin sai sự thật

Đăng hình ảnh một người tự thiêu lên mạng kèm lời chú thích bịa đặt: "Bức xúc vì cách chống dịch Covid-19... người dân phẫn uất ngay giữa đường bức bách, tự thiêu", đối tượng Phan Hữu Điệp Anh (60 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh, TP HCM) đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố, bắt tạm giam 2 tháng về hành vi sử dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm