Cảnh báo lừa đảo khi vay tiền qua mạng: Cần làm gì để tránh rơi vào bẫy?

PV
27/09/2021 - 09:00
Cảnh báo lừa đảo khi vay tiền qua mạng: Cần làm gì để tránh rơi vào bẫy?

Ảnh minh họa

Trong bài viết trước, chúng tôi đã nhắc đến Công ty tài chính 24hplus, công ty mà kẻ lừa đảo đưa ra để tạo lòng tin với khách hàng. Để làm rõ hơn về việc công ty này có liên quan hay không, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển 24hplus (sau đây gọi tắt là Công ty 24hplus).

Ông Lê Quang Hải, Trưởng phòng Phòng, chống gian lận, Công ty 24hplus, khẳng định công ty không có dịch vụ cho vay trực tuyến. Ông Hải cung cấp thêm thông tin về các hình thức, thủ đoạn mà đối tượng lừa đảo sử dụng để cảnh báo người dân. Đối tượng lừa đảo quảng cáo trên mạng xã hội về việc cho vay tiền mặt với mức lãi suất hấp dẫn (0,5%-0,7%/tháng). Trong khi hầu hết các công ty tài chính hiện nay có mức lãi suất cho vay theo hình thức này dao động khoảng 2%-3%/tháng.

Ngoài ra, các đối tượng này còn thực hiện việc điện thoại cho nhiều người mà chúng biết được số điện thoại và dụ dỗ khách hàng vay tiền với mức lãi suất thấp như đã nêu trên. Chúng mạo danh là nhân viên của Công ty 24hPlus để tạo lòng tin với khách hàng. Sau khi biết khách hàng có nhu cầu vay, các đối tượng này sẽ yêu cầu khách hàng kết bạn zalo và trao đổi mọi thông tin trên đó. Kẻ lừa đảo sẽ gửi cho khách hàng một ứng dụng và yêu cầu nhập các thông tin cá nhân vào ứng dụng này. Các thông tin điền vào thường là: họ và tên, địa chỉ thường trú, số CMND/CCCD, số tiền muốn vay... Sau khi điền các thông tin này xong, người điền sẽ nhận được một thông báo xét duyệt khoản vay.

Logo, hình ảnh, chữ ký người đại diện và dấu trên thông báo này đều được làm giả mạo. Trên thông báo này sẽ có thông tin của cá nhân khách hàng và tổng số tiền khách hàng muốn vay cùng với yêu cầu khách hàng phải đóng trước số tiền bằng 10% giá trị khoản vay với lý do để chứng minh khả năng trả nợ của khách hàng. Sau khi khách hàng chuyển khoản số tiền này thì chúng sẽ chiếm đoạt và dĩ nhiên khách hàng không được vay bất cứ đồng nào. Thậm chí có nhiều trường hợp sau khi khách hàng chuyển số tiền này, chúng còn táo tợn yêu cầu khách hàng chuyển thêm khoản tiền tương đương 40% giá trị khoản vay với lý do tài khoản đã bị phong tỏa, muốn giải tỏa để nhận tiền vay thì phải đóng thêm tiền.

Có một số trường hợp sau khi chuyển 2 khoản tiền thì đối tượng lại tiếp tục yêu cầu khách hàng chuyển thêm một khoản tiền khác: tiền xóa nợ xấu. Vì bị nợ xấu khách hàng sẽ không được xét duyệt khoản vay. Khoản tiền này có giá trị tương đương 40% giá trị khoản vay và nhiều khách hàng cũng đã bị lừa.

Cảnh báo lừa đảo khi vay tiền qua mạng   Bài cuối:  Cần làm gì để tránh rơi vào bẫy? - Ảnh 1.

Những tờ giấy xác nhận giả việc chuyển tiền mà kẻ lừa đảo làm ra để lừa khách vay

Đại diện công ty 24hPlus đã chỉ ra một số cách để người dân tránh rơi vào bẫy của kẻ lừa đảo như: Khi vay tiền, nên tránh trường hợp yêu cầu người vay chuyển tiền trước. Tuyệt đối không chuyển tiền trước cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào nếu có yêu cầu. Khi cần vay tiền thì cần tìm hiểu kỹ công ty, tổ chức cho vay là ai, hoạt động như thế nào.

Hướng dẫn từ các ngân hàng

Trong một thông tin cảnh báo của mình, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, thời gian gần đây xảy ra vụ việc một số đối tượng giả mạo là cán bộ của BIDV để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Thủ đoạn được sử dụng là các đối tượng lợi dụng những hình ảnh hội thảo, biển tên cán bộ giả mạo và các hoạt động chung có logo BIDV gửi cho khách hàng qua Zalo, Facebook... để giả danh là cán bộ BIDV. Khi khách hàng đã tin tưởng, đối tượng hứa hẹn có thể cho khách hàng vay vốn với khoản vay dưới 100 triệu đồng và yêu cầu khách hàng nộp khoản tiền là "phí bảo hiểm rủi ro" từ 1 đến 2 triệu đồng với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt số tiền trên.

Ngay sau khi nhận được số tiền trên, khách hàng không thể liên lạc với đối tượng giả mạo này nữa. "BIDV khuyến cáo khách hàng tuyệt đối cảnh giác và luôn xác minh mọi lời mời chào từ những người lạ, có nhiều dấu hiệu khả nghi. Trường hợp phát sinh nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, khách hàng có thể tiếp cận thông qua trang web chính thức của BIDV, Tổng đài hỗ trợ hoặc đến điểm giao dịch gần nhất của BIDV để được cán bộ tiếp đón".

"Khách hàng tuyệt đối lưu ý không đặt lòng tin với các loại hình quảng cáo cho vay nóng, bán hồ sơ vay vốn, thanh lý hồ sơ vay vốn, được quảng bá là nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, các ứng dụng chat hoặc qua bất cứ trung gian nào; không liên lạc với những lời mời chào khoản vay vốn từ các quảng cáo qua mạng. Đây hoàn toàn có thể là đối tượng lừa đảo và liên lạc trực tiếp với ngân hàng qua các kênh thông tin chính thức", đại diện Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) khuyến cáo.

Sau khi triệt phá một số vụ án lừa đảo vay tiền qua mạng, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân không vay tiền của các loại hình được quảng bá là nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội; không liên lạc với những lời mời chào khoản vay vốn từ các quảng cáo qua mạng xã hội vì đây hoàn toàn có thể là đối tượng lừa đảo. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân hãy tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay vốn nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật, tránh là nạn nhân của các hình thức lừa đảo như trên.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm