Cảnh báo lừa đảo khi vay tiền qua mạng: Vay 150 triệu nhưng phải chuyển khoản tới 430 triệu

PV
26/09/2021 - 08:36
Cảnh báo lừa đảo khi vay tiền qua mạng: Vay 150 triệu nhưng phải chuyển khoản tới 430 triệu

Ảnh minh họa

Thời gian qua, Báo PNVN nhận được đơn kêu cứu của nhiều bạn đọc gửi về. Họ chia sẻ về việc bị các đối tượng mạo danh công ty tài chính, mời vay vốn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị dụ dỗ chuyển tiền 7 lần

Trong đó, các đối tượng đã sử dụng con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền để dụ dỗ khách hàng chuyển khoản rồi chiếm đoạt. Số tiền các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt lên tới hàng tỉ đồng.

Dịch Covid-19 khiến công việc làm ăn của ông Hà Tr. (SN 1964, trú tại Đà Nẵng) gặp khó khăn. Cần gấp số tiền để trang trải cuộc sống nhưng chưa biết vay ở đâu thì một ngày đầu tháng 9, ông Tr. nhận được một cuộc điện thoại mời vay tiền.

Đang "buồn ngủ lại gặp chiếu manh", ông Tr. lập tức bị lôi cuốn bởi những lời đường mật, hứa hẹn của đối tượng gọi điện cho ông. Ông Tr. kể lại, ngày 3/9/2021, một người gọi điện cho ông giới thiệu là nhân viên của công ty tài chính 24hplus, chuyên cho vay uy tín. Người này chào mời ông Tr. vay khoản tiền 150 triệu đồng trong thời gian 36 tháng, với lãi suất 0,5% tháng.

Có thể nói rằng, trong bối cảnh hiện tại, mức lãi suất như thế này là quá phù hợp với một người khó khăn như ông. Cùng với đó là thủ tục đơn giản, chỉ cần chụp chứng minh thư, cung cấp số tài khoản ngân hàng và chứng minh khả năng trả góp hàng tháng nên ông Tr. đồng ý. Sau đó, người này yêu cầu ông chuyển khoản số tiền 10 triệu đồng để "chứng minh khả năng chi trả". Ông Tr. đã chuyển 10 triệu đồng vào tài khoản có tên Đỗ Việt Nhật tại ngân hàng Techcombank. Người này cam kết qua tin nhắn là sẽ chuyển trả lại ông Tr. tổng số tiền 160 triệu (gồm 150 triệu tiền vay và 10 triệu ông Tr. đã chuyển) và hướng dẫn ông Tr. rút tiền qua App. Tuy nhiên, ông Tr. không thể rút được tiền vì thông báo lỗi. Lúc này, nhóm người cho vay yêu cầu ông Tr. chuyển 45 triệu đồng (tương đương 30% tổng số tiền vay) để "sửa lỗi", sau đó sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền trong vòng 5 phút.

Tờ cam kết giả này đã khiến ông Tr. phải chuyển vào tài khoản của kẻ lừa đảo 430 triệu đồng

Tờ cam kết giả này đã khiến ông Tr. phải chuyển vào tài khoản của kẻ lừa đảo 430 triệu đồng

Với thủ đoạn này, nhóm người trên đã "dụ" ông Tr. chuyển tiền 7 lần vào số tài khoản nêu trên với tổng số tiền là 430 triệu đồng. Sau đó, đến lần thứ 8, nhóm này yêu cầu ông Tr. chuyển tiếp 150 triệu đồng khiến ông nghi ngờ, ông Tr. lên Google để tìm kiếm, gọi điện đến đường dây nóng của công ty 24hplus thì mới biết đã có nhóm người mạo danh công ty này để lừa đảo. Biết mình bị lừa, ông Tr. đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an.

"Mất cả chì lẫn chài"

Với thủ đoạn này, thời gian qua, nhóm lừa đảo đã lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỉ đồng của nhiều nạn nhân. Ngoài ông Tr., chúng tôi còn nhận được nhiều đơn tố cáo của nạn nhân đến từ nhiều địa phương khác. Cụ thể, theo phản ánh của chị N.T.H (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), ngày 5/9/2021, khi đang ở nhà tại một căn hộ ở Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) thì chị nhận được số điện thoại của một người mời chị vay tiền với lãi suất thấp, chỉ 0,5%/tháng với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh.

Do tình hình kinh tế đang khó khăn, lại thấy có người cho vay với lãi suất thấp nên chị H. đã đồng ý tìm hiểu. Sau đó, có một số điện thoại khác kết bạn với chị qua Zalo, giới thiệu là nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty 24hplus - là công ty cho vay tiền. Theo lời kể của chị H. tên zalo của người này hiển thị là HPL. Người này đã nói chuyện, hướng dẫn chị vay tiền qua ứng dụng "Handy Cash". Chị H. được duyệt vay số tiền là 60 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng với lãi suất 0,5% tháng. Ngay sau khi chị đồng ý với điều khoản của khoản vay thì một tài khoản zalo khác có tên là Plus 03 nhận là nhân viên chăm sóc khách hàng liên lạc và hướng dẫn chị hoàn tất khoản vay.

Để tạo lòng tin, người này đã gửi cho chị H. một hình chụp chứng minh nhân dân có tên là Nguyễn Đình V. (trú tại Quang Khải, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Đồng thời, nhân viên này yêu cầu chị đặt cọc 10% số tiền vay (tương đương 6 triệu đồng). Người này yêu cầu chị chuyển khoản số tiền trên vào tài khoản Vong Ny Kim tại ngân hàng Viettinbank. Vì cần được giải ngân gấp, chị H. đã chuyển vào tài khoản mà V. cung cấp số tiền 6 triệu đồng như yêu cầu. Tuy nhiên, sau khi chị chuyển 6 triệu đồng thì người này nhắn tin qua Zalo cho chị và bảo chị nhập sai thông tin tài khoản thụ hưởng nên tài khoản bị "đóng băng", không giải ngân được. Người này hướng dẫn chị H. chuyển thêm 30 triệu đồng nữa để được "sửa lỗi" và giải ngân toàn bộ số tiền vay, nếu không tài khoản chị sẽ bị "đóng băng" vĩnh viễn và chị vẫn phải trả tiền nợ hàng tháng. Chị H. vay tiền người thân để chuyển cho các đối tượng này số tiền 30 triệu đồng như đã yêu cầu. Nhưng ngay sau đó, người này lại nhắn tin bảo chị H. nhập sai thông tin, tài khoản sẽ bị "đóng băng" và yêu cầu chị phải nộp thêm 30 triệu đồng. Lúc này, một người tự nhận là "Giám đốc thẩm định" tên là Nguyễn Thành Nam gọi cho chị yêu cầu chị nộp thêm 30 triệu đồng để được giải ngân số tiền vay trong 10 phút.

Tổng cộng trong ngày hôm đó, chị H. đã chuyển khoản vào tài khoản có tên là Vong Ny Kim số tiền 66 triệu đồng nhưng không được giải ngân một đồng nào. Chờ mãi không thấy tiền vay lẫn tiền đã nộp được chuyển về tài khoản, biết là bị lừa, chị H. đã làm đơn trình báo Công an quận Hoàng Mai.

Bài sau: Cần làm gì để tránh rơi vào bẫy?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm