pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cảnh báo từ trường hợp xét nghiệm nhanh âm tính nhưng vẫn mắc Covid-19 ở Hà Nội
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng tại Đà Nẵng. Ảnh: Anh Văn
Sáng 6/8, Hà Nội có thêm bệnh nhân mắc Covid-19, nâng tổng số người mắc bệnh này ở Thủ đô lên 3 trường hợp trong đợt dịch Covid lần 2. Đó là ca bệnh 714 (BN714), 42 tuổi, có địa chỉ tại Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, là nhân viên điều hành xe buýt. Bệnh nhân có tiền sử đi du lịch cùng gia đình tại Đà Nẵng từ 14-17/7. Trong đợt xét nghiệm sàng lọc những người về từ vùng dịch, bệnh nhân âm tính với Covid-19. Ngày 4/8, bệnh nhân nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Cùng bệnh nhân trên, Hà Nội đã xét nghiệm nhanh cho hơn 72.000 trường hợp. Không chỉ Hà Nội, BN 715 là tên N.T.P (nữ, 42 tuổi; ngụ khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, TP Hội An, Quảng Nam), ngày 30/7 được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính. Tuy nhiên, sau đó chị P. được xét nghiệm lại và dương tính vơi SARS-CoV-2.
Điều nguy hiểm là những trường hợp trên, nhất là bệnh nhân ở Hà Nội, sau khi xét nghiệm âm tính, đã đi rất nhiều nơi. Hiện cả nước đang nỗ lực xét nghiệm sàng lọc SAR-CoV-2 cho các đối tượng nghi ngờ. Ai nhận được kết quả âm tính đều hồ hởi. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ, nếu chưa cách ly đủ 14 ngày thì có kết quả âm tính vẫn chưa thể yên tâm hoàn toàn.
"Virus SAR-CoV-2 xâm nhập cơ thể, âm thầm nhân lên đến khi đạt tải lượng nhất định thì mới phát tán ra đường hô hấp và gây triệu chứng. Quá trình âm thầm nhân lên của virus là "thời gian ủ bệnh". Trong thời gian này do virus chưa phát tán ra qua đường hô hấp nên các xét nghiệm vẫn có thể âm tính mặc dù cơ thể có virus. Và những người này vẫn có thể trở thành dương tính vào những ngày sau. Trong thời gian ủ bệnh, những trường hợp này vẫn có thể lây virus cho người khác", bác sĩ Cấp cho biết.
Bởi vậy, nếu một người đi qua vùng có dịch hoặc tiếp xúc gần với người bệnh, thì việc tự cách ly và theo dõi trong 14 ngày mới là điều cơ bản mấu chốt. Trong vòng 14 ngày đó hãy thông báo lại cho cơ quan y tế bất cứ lúc nào có biểu hiện nghi mắc Covid-19 như: Sốt, ho, đau họng, tiêu chảy… để xét nghiệm sớm.
Nhiều chuyên gia y tế cũng đồng tình với quan điểm trên, bởi kết quả test nhanh nhiều khi không có giá trị. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi TƯ cho rằng, test nhanh làm sớm quá thì chưa đủ kháng thể. Vì vậy, những người có kết quả test nhanh âm tính tuyệt đối không được chủ quan, cần phải tuân thủ nghiêm túc việc cách ly đủ 14 ngày.
Các chuyên gia y tế ước tính, một trường hợp mắc Covid-19 có thể lây lan một chu kì khoảng 5 người, nếu cứ nhân lên như thế, con số mắc sẽ rất lớn trong cộng đồng. Do đó, cùng test nhanh, cần xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR để phát hiện chính xác có hay không nhiễm virus gây Covid-19.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội chiều 5/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đề nghị các bệnh viện trên địa bàn thành phố khi thấy bệnh nhân có lịch trình từ vùng dịch về và có biểu hiện ho, sốt thì phải cho xét nghiệm RT-PCR ngay. Ngoài ra, những người đã test nhanh âm tính thì cần phải làm xét nghiệm RT-PCR.
Hà Nội có 11 bệnh viện khẩn trương hoàn thiện quy trình, thủ tục để triển khai xét nghiệm sàng lọc Covid-19 bằng kỹ thuật RT-PCR, trong đó có 8 bệnh viện công lập: Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Phụ Sản, Ba Vì, Sơn Tây, Phổi Hà Nội và 3 bệnh viện ngoài công lập: Medlatec, Vinmec, Hồng Ngọc.
Các chuyên gia cho rằng, các địa phương khác cũng cần xét nghiệm kỹ thuật bằng RT-PCR cho những trường hợp có nguy cơ cao, đi và đến từ vùng dịch.