Cảnh giác chiêu "làm giá" của thợ sửa điều hòa

26/04/2017 - 11:11
Dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa đang "nóng" cùng thời tiết mùa hè. Nếu không có kinh nghiệm, người tiêu dùng có thể mắc bẫy “làm giá” của thợ sửa chữa, dẫn tới tiền mất mà máy lạnh hoạt động không hiệu quả.
Sau một mùa đông không sử dụng đến, dàn nóng, dàn lạnh của điều hòa đã bị bám bụi bẩn, giảm độ mát. Chính vì vậy, dịp đầu hè luôn là thời điểm dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy lạnh "lên ngôi" ở miền Bắc. Bình thường mỗi ngày anh Sơn (Trung tâm Điện lạnh Bách Khoa, Hà Nội) chỉ bảo dưỡng 1-2 chiếc điều hòa. Nhưng từ cuối tháng 4, khi những đợt nắng nóng đã bắt đầu gay gắt, anh phải làm việc hết công suất để bảo dưỡng chục cái máy lạnh mỗi ngày. Nhu cầu nhiều nhưng số lượng thợ sửa chữa chỉ có hạn, nên nhiều người dù mới chỉ là thợ học việc, không có trình độ chuyên môn cũng đăng tin nhận bảo dưỡng, sửa chữa máy lạnh để kiếm tiền. Theo anh Sơn, nếu khách hàng dễ tính hoặc không có các kiến thức cơ bản về điện sẽ dễ bị mất tiền oan cho những người thợ thiếu trung thực.

Một số chiêu "móc túi" khách hàng thường gặp

- Chiêu phổ biến nhất các thợ điều hòa thường sử dụng là ăn chênh lệch về giá cả của các nguyên vật liệu thay thế. Với những khách hàng mới, họ sẽ khai tăng thêm chiều dài của ống đồng, dây dẫn... để kiếm tiền. Các loại điều hòa cũ đã sử dụng một vài năm sẽ được thợ bắt bệnh như: dây đồng tiếp gas tiếp xúc kém do rò rỉ gas, van gas bị hở không đảm bảo an toàn, hỏng tụ, hỏng lốc... Những linh kiện qua tay thợ sửa chữa điều hòa sẽ được bán với giá cao hơn khoảng 50.000 đến 100.000 đồng/món so với giá bán tại các cửa hàng đồ điện. Những món đồ như lốc máy sẽ được bán với giá tới hơn 1 triệu đồng/món.
dieu-hoa-nhiet-do.jpg
 Cần cẩn thận trước lời đề nghị sửa chữa, thay thế linh kiện. Ảnh minh họa
- Bơm thêm gas cũng là cách lấy tiền của khách hàng khá dễ dàng. Sau khi lau chùi, bảo dưỡng, người thợ thường tư vấn hoặc được khách trực tiếp yêu cầu bơm thêm gas để máy lạnh chạy khỏe. Giá gas trung bình khoảng từ 7.000 đồng/psi đến 10.000 đồng/psi nhưng thợ bơm khối lượng bao nhiêu, chủ nhà không thể nhìn thấy hay trưc tiếp kiểm tra độ chính xác được. Chính vì vậy, trước khi bơm gas, thợ báo giá với khách một đằng nhưng lúc tính tiền thực tế thường lấy lý do bình gas hết sạch, cần phải sạc nhiều hơn bình thường và lấy giá cao hơn từ 50.000 đến 200.000 đồng tùy từng loại điều hoà.
dieu-hoa-nhiet-do-1.jpg
 Bơm thêm gas là một chiêu móc tiền khách hàng. Ảnh minh họa
- Anh Sơn cũng cảnh báo các gia đình, nếu khi thợ bảo dưỡng yêu cầu phải mang dàn nóng hay dàn lạnh về công ty để sửa chữa, khách hàng nên cân nhắc cẩn thận. Đó có thể là do tay nghề thợ kém, không bắt được bệnh, phải tháo máy mang đi nhờ người tư vấn sửa chữa. Nhưng còn có thêm một lý do khác là họ cố tình mang thiết bị về để nghiêm trọng thêm độ hỏng hóc của máy, khiến khách hàng phải chi nhiều tiền hơn. Nếu gặp phải trường hợp này, cách tốt nhất là nên gọi những người thợ sửa điều hòa có kinh nghiệm để kiểm tra đúng bệnh của máy và có cách sửa chữa đúng, tránh bị mất tiền oan.

Lời khuyên của chuyên gia

Theo anh Sơn, trước khi gọi thợ đến nhà sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa, người tiêu dùng nên trang bị một số kiến thức cơ bản, để có thể tự kiểm tra được hiện trạng máy lạnh của gia đình, tránh mắc vào các chiêu làm giá của thợ. Cụ thể:

- Nên kiểm tra xem điều khiển máy lạnh đã đặt đúng chế độ chưa, có thấy đèn nhấp nháy báo lỗi không, chỗ thổi gió ra có lạnh và mạnh không, dàn nóng và dàn lạnh có phát ra những âm thanh bất thường không. Tiếp theo, kiểm tra các dây nối hoặc bo mạch xem có bị chuột cắn hay thạch sùng, nhện bò vào gây chập mạch điện không. Nếu không có những dấu hiệu khác lạ đó, thì điều hòa của gia đình bạn chỉ cần vệ sinh, bảo dưỡng thông thường. Lúc này, bạn nên cảnh giác nếu thợ báo điều hòa bị hỏng và yêu cầu sửa chữa.

- Dấu hiệu nhận biết cần phải bơm thêm gas: Gas trong bình bị thiếu sẽ có dấu hiệu đóng tuyết ở dàn nóng. Nếu máy lạnh nhà bạn bị đóng tuyết ở dàn lạnh và có hiện tượng đá bay ra ngoài là do quạt dàn lạnh, tụ quạt bị hỏng. Bạn nên quan sát kĩ các dấu hiệu này để sửa chữa kịp thời.
dieu-hoa-nhiet-do-2.jpg
 Kiểm tra gas trong bình để tránh tiền mất tật mang. Ảnh minh họa
- Với trường hợp thợ báo hỏng lốc máy, bạn nên cân nhắc kĩ trước khi thay thế. Thông thường, các máy điều hòa đều có lắp thiết bị bảo vệ lốc máy, khi có sự cố xảy ra, thiết bị bảo vệ sẽ tự ngắt để bảo vệ lốc máy. Có thể nói, lốc máy là thiết bị hầu như không bao giờ bị hỏng. Nếu nghi ngờ lốc máy hỏng, cách tốt nhất là gọi điện tới nhà sản xuất đề nghị thợ chính hãng bảo hành, sửa chữa.

- Nên gọi thợ bảo dưỡng điều hòa tại các cửa hàng, công ty có niêm yết địa chỉ rõ ràng, sửa chữa uy tín. Trước khi cho thợ làm việc, cần yêu cầu mẫu phiếu kiểm tra, sửa chữa có dấu của công ty. Điều quan trọng nhất là phải thương lượng rõ ràng về giá cả dịch vụ trước khi sử dụng.

- Hiện nay, dịch vụ bảo dưỡng trọn gói điều hòa, bao gồm: vệ sinh dàn nóng, dàn lạnh, kiểm tra và nạp gas, có giá từ 350.000 đến 750.000 đồng, tùy theo công suất và chủng loại máy.

- Giá dịch vụ bảo dưỡng vệ sinh thông thường từ 90.000 đến 200.000 đồng.

- Giá nạp gas bổ sung từ 7.000 đồng/psi đến 10.000 đồng/psi

- Công lắp đặt điều hòa: 150.000 đồng/bộ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm