pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cảnh giác kẻo bị lừa đảo 2 lần
Tràn lan quảng cáo dịch vụ "giúp lấy lại tiền bị lừa đảo"
Chỉ cần vào mạng xã hội và tìm kiếm từ "lấy lại tiền bị lừa đảo" sẽ xuất hiện hàng loạt thông tin hình ảnh, clip quảng cáo dịch vụ "lấy lại tiền đã bị lừa đảo" trên các nền tảng mạng xã hội. Các thông tin này được đưa ra rất hấp dẫn, như: "Cam kết lấy lại được tiền đã bị lừa đảo trên mạng xã hội, tiền bị treo bởi tham gia vào các dịch vụ việc làm mà không phải trả phí trước"; "đã nói là làm được"…Từ những thông tin quảng cáo này, nhiều nạn nhân đã bị "sập bẫy" lần hai.
Chị Nguyễn Minh Hà (ở huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết: "Tôi bị lừa tham gia dịch vụ làm nhiệm vụ chốt đơn. Tôi đã bỏ số vốn là 80 triệu đồng, cộng với tiền lãi 60 triệu đồng, trong tài khoản chốt đơn trên hệ thống của tôi là 140 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi không thể nào rút tiền ra được và tài khoản cũng bị treo luôn. Vì quá lo lắng và xót tiền, tôi đã truy cập vào mạng, tìm được thông tin về dịch vụ "lấy lại tiền bị treo". Họ yêu cầu tôi gửi thông tin và chụp căn cước công dân gửi cho họ. Sau đó, họ gửi cho tôi hồ sơ của tôi và yêu cầu nộp 500 nghìn đồng tiền phí. Do hy vọng sẽ lấy lại được tiền bị lừa trước đó, tôi đã tin tưởng, làm theo hướng dẫn của họ. Khoảng 2 tiếng sau, họ liên hệ lại với tôi và nói hồ sơ của tôi đã được xử lý. Họ còn gửi cho tôi các bản chụp giấy tờ có con dấu của Ngân hàng nhà nước, của Bộ Tài chính nên tôi càng tin tưởng là hồ sơ đòi tiền treo của tôi đã khả thi. Lúc này, họ yêu cầu tôi đóng 10% khoản tiền 140 triệu đồng của tôi đang bị treo, tức là 14 triệu đồng. Tôi đã đồng ý và nộp tiền vào tài khoản họ gửi nhưng ngay sau khi tôi chuyển tiền xong thì họ chặn liên lạc với tôi. Lúc này, tôi mới nhận ra là mình bị lừa lần hai".
Chị Hà Thị Hương (ở Thái Bình) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. "Tôi có tham gia đầu tư sàn chứng khoán quốc tế. Tài khoản hơn 500 triệu đồng của tôi bị treo, không lấy lại được. Quá lo lắng, tôi đã tìm đến dịch vụ "lấy lại tiền trên mạng" nhưng cuối cùng lại bị lừa mất thêm hơn 50 triệu đồng. Lúc mất tiền, tôi mới thấy mình quá ngờ nghệch, đã mất một lần giờ lại mất thêm lần hai, mà thực sự là xấu hổ, không dám hé miệng nói với người thân. Giờ tôi phải ôm một món nợ cả trăm triệu đồng, chưa biết cách nào giải quyết. Tôi đã gửi đơn tố cáo tới cơ quan chức năng, hy vọng lấy lại được tiền giờ quả thực rất mong manh", chị Hương chua xót nói.
Đánh trúng tâm lý của nạn nhân
Ông Chu Hồng Phong, chuyên gia về an ninh mạng ở Hà Nội, cho biết: "Chiêu trò "giúp lấy lại tiền bị lừa đảo" này đang diễn ra ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Những người có tính cảnh giác cao thì chẳng ai tin vào mấy trò này nhưng những người đã bị lừa một lần thì lại khác. Lúc bị lừa, tâm lý của họ thường không tỉnh táo, chỉ mong muốn lấy lại được tiền. Nắm được tâm lý này, các đối tượng lừa đảo đã đưa ra nhiều thông tin chắc như đinh đóng cột là sẽ lấy lại được tiền đã bị lừa trước đó, rồi dẫn dụ họ tiếp tục rơi vào cái bẫy mà chúng đã giăng sẵn. Khi nạn nhân bị mất tiền, tỉnh ngộ thì đã quá muộn".
Các đối tượng lừa đảo thường hoạt động ở ngoài biên giới Việt Nam. Chúng dàn dựng các clip quảng cáo rất tinh vi, thậm chí là thuê người Việt Nam ở trong nước đóng quảng cáo để "câu mồi".
Trước những diễn biến lừa đảo ngày càng tinh vi trên các nền tảng mạng xã hội thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục đưa ra cảnh báo, để người dân hiểu và tránh rơi vào những bẫy lừa đó. Người dân cần hết sức tỉnh táo, không tin theo những quảng cáo "việc nhẹ lương cao", cần kiểm tra, xem xét vấn đề một cách cẩn trọng, nếu lỡ bị lừa mất tiền, cần nhanh chóng khóa tài khoản, báo cho ngân hàng và cơ quan công an, không thực hiện theo các chỉ dẫn, đe dọa của các đối tượng...