Cao mét rưỡi nặng 70kg, người phụ nữ giảm cân và chỉ số đường huyết nhờ ăn cách này

DIỆU THUẦN
19/11/2022 - 14:27
Cao mét rưỡi nặng 70kg, người phụ nữ giảm cân và chỉ số đường huyết nhờ ăn cách này
Sau 63 ngày áp dụng chế độ ăn eat clean thuần chay, giảm được kg, dần đẩy lùi được bệnh tiểu đường, chị Linh rất vui và phấn khởi. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, chúng ta đừng quá thần thành và lạm dụng chế độ ăn này. 

Thấy nhẹ nhõm khi giảm được cân ở tuổi 50

Chị Trần Linh (ở TP.HCM) năm nay hơn 50 tuổi, có cơ thể tròn trịa từ nhỏ và chưa bao giờ giảm được cân nặng. Sau khi lấy chồng, sinh con, cân nặng của chị tiếp tục tăng. Bước sang tuổi 50, chị có cân nặng vượt quá xa so với số đo chiều cao (chị cao 1,5m, nặng hơn 70kg), bị tiền tiểu đường và mỡ máu nên rất lo lắng. Trước đó, chị tìm cách giảm cân nhưng không hiệu quả vì không thể kiêng ăn vặt và ăn theo thực đơn mình đưa ra.

Chị cho biết, với cân nặng quá khổ kèm bệnh tiểu đường, chị đã phải sống trong lo lắng khi dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp ở TP.HCM hồi giữa năm 2021. “Lúc đó, tôi chưa được tiêm vắc xin COVID-19 nên lúc nào cũng sợ mình bị nhiễm bệnh và không dám đến bệnh viện khám”, chị Linh nhớ lại.

Các thực phẩm chị Linh lựa chọn để ăn trong một bữa. Ảnh: NVCC.

Đầu tháng 8 vừa qua, chị được một người bạn tư vấn, hướng dẫn cho cách ăn theo chế độ eat clean thuần chay. Đây là chế độ ăn đòi hỏi người thực hiện phải loại bỏ hoàn toàn các chất béo xấu, có hại, thức ăn chế biến sẵn và có nguồn gốc từ động vật ra khỏi khẩu phần ăn. Đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể bằng cách bổ sung các loại rau xanh, hoa quả, hạt ngũ cốc...

Sau khi nghiên cứu kỹ và tham khảo nhiều thông tin khác nhau, chị quyết định tham gia chương trình ăn theo chế độ này trong vòng 35 ngày. “Trước đây, tôi là người không ăn chay bao giờ nên khi mới bắt đầu, tôi không quen. Nhờ bạn tư vấn kỹ, theo dõi từng chút một, tôi ăn được. Ban đầu, tôi ăn từ từ, ăn số lượng tăng lên theo ngày. Dần dần, tôi cũng làm được”, chị Linh chia sẻ.

Chị Linh cho biết sau một tuần ăn cắt giảm tinh bột, chất béo, các loại thịt, đường… chị giảm được hơn 1kg, chỉ số đo đường huyết giảm từ 7.4 mmol/L xuống 7.2 mmol/L và chỉ số hba1c (hemoglobin glycated - xét nghiệm hba1c cho biết mức đường huyết trung bình của một người trong 2-3 tháng) giảm hơn so với lần đo trước. Quan trọng hơn, chị điều tiết được các cơn thèm ăn vặt, ăn các thực phẩm giàu năng lượng. Thay vào đó là chế độ uống nước ép làm từ rau, củ, quả sạch.

“Kết thúc 35 ngày ăn eat clean thuần chay, tôi giảm được hơn 4kg, thấy người nhẹ nhõm hẳn”, chị Linh nói. Sau đó, chị tiếp tục ăn theo chế độ này thêm 28 ngày, với thực đơn cho người bị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, vì đã giảm được cân và việc ăn eat clean thuần chay đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ, nhiều công đoạn, nên có lần đi du lịch hay đến nhà người quen, vì quá vui, chị cũng bị sao nhãng.

Các bữa ăn của chị Linh khi ăn theo chế độ eat clean thuần chay. Ảnh: NVCC.

May mắn, nhờ những người từng áp dụng theo chế độ ăn này trước đó thành công giúp đỡ, chị đã điều chỉnh các nguyên liệu thay thế dễ dàng hơn. Sau một tuần ăn, chị đi kiểm tra glucose lúc đói dao động khoảng 113 mg/dl và sau ăn trưa 2h là 135 mg/dl. Sau đó, mỗi lần đo chỉ số đường huyết chị đều ghi lại các chỉ số để làm cơ sở cho lần khám tới. Cứ như thế, chỉ số của lần đo sau luôn giảm hơn so với lần đo trước.

Ngày 18/10, trải qua 35 ngày ăn theo chế độ eat clean thuần chay và 28 ngày tiểu đường, chị Linh giảm được 6kg (do chỉ tuân thủ chế độ ăn 80%). Đặc biệt, chỉ số đường huyết khi đo đã vượt ra hỏi vùng nguy hiểm hướng về vùng an toàn, cụ thể chỉ số glucose là 6.3 mmol/L, còn chỉ số hba1c là 6.1.

“Vừa rồi, tôi đi khám tiểu đường, bác sĩ đã chúc mừng tôi và dặn cứ tiếp tục ăn theo chế độ đang thực hiện. Bây giờ, tôi thấy rất biết ơn những người bạn đã giúp tôi làm được điều mà trước đây chưa từng làm là: sống xanh. 63 ngày qua, cách ăn này không chỉ giúp tôi đi từ vùng nguy hiểm trở về nơi an toàn (của bệnh) mà còn cho tôi một khởi đầu của một lối sống mới, sức khỏe mới”, chị Linh vui vẻ chia sẻ.

Ăn uống cần đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh

Nói về chế độ ăn eat clean, BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên khoa y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM phân tích, chế độ ăn nào cũng có ưu và nhược điểm, eat clean cũng vậy. Vì vậy, chúng ta cần hiểu rõ để lựa chọn cách ăn sao cho phù hợp với sức khỏe bản thân.

Các bác sĩ cho rằng, các thực phẩm ăn theo chế độ eat clean cần phải rửa sạch, lựa chọn kỹ. Ảnh: NVCC.

Theo bác sĩ Vũ, ưu điểm của chế độ ăn eat clean là thực phẩm có thể giữ được vitamin C, các chất khoáng và ít làm tăng lượng đường trong máu. Bởi thực phẩm khi nấu chín ở nhiệt độ cao hay bị sơ chế có thể bị phá hủy hoặc làm giảm hàm lượng vitamin và chất khoáng. “Có một số loại vitamin tan trong nước như vitamin C khi luộc rau sẽ tan trong nước, nếu bỏ phần nước đi nghĩa là chúng ta mất một lượng vitamin C đáng kể”, bác sĩ Vũ chia sẻ.

Tuy nhiên, việc chúng ta ăn tươi sống cũng sẽ nhận lại những mặt trái của nó. Theo bác sĩ Vũ, nguy cơ lớn nhất của người ăn theo chế độ eat clean là thiếu dinh dưỡng và dễ bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, virus hoặc độc tố (saponin và legumin) trong thực phẩm đó chưa được phá vỡ khi còn sống. Ngoài ra, ăn sống các loại rau chúng ta sẽ có nguy cơ bị tiêu chảy, nhiễm giun xoắn ký sinh, virus viêm gan A, viêm gan E…

BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM cũng cho rằng, chế độ ăn này chỉ là trào lưu trên mạng xã hội, hiện chưa có tài liệu chính thống khẳng định. Chúng ta muốn cơ thể khỏe mạnh thì cần có một chế độ dinh dưỡng đúng và cần đảm bảo cung cấp đủ chất đạm béo, bột đường, rau, trái cây, sữa và các thực phẩm làm từ sữa. Nếu ai đó muốn áp dụng chế độ ăn để giảm cân thì phải tìm hiểu kỹ và cũng cần nạp đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể.

“Nếu chúng ta đột ngột giảm tinh bột, đạm béo, đường… để mong giảm cân thì có thể giảm được cân nặng, nhưng hậu quả tức thời là mệt mỏi, hạ đường huyết, ngất xỉu... Về lâu dài, chúng ta có rất nhiều nguy cơ thiếu hụt vitamin, khoáng chất hay ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tinh thần”, bác sĩ Diệp chia sẻ.

Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, chúng ta đừng nên quá thần thánh và lạm dụng chế độ ăn eat clean mà cần phải tìm hiểu thật kỹ trước khi áp dụng. Ảnh: NVCC.

Bác sĩ Vũ cho rằng, dù có nhiều cảnh báo nhưng chế độ ăn eat clean vẫn đang được nhiều người lựa chọn nhằm mục đích giảm cân và một số vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy, để ăn theo chế độ này an toàn, người áp dụng cần thực hiện các điều sau:

- Rửa trái cây và rau củ dưới vòi nước sạch.

- Các dụng cụ nhà bếp như dao, thớt, chén dĩa phải sạch sẽ nếu không đây sẽ là nguồn lây bệnh.

- Bàn tay của người làm bếp phải sạch sẽ để tránh lây lan vi khuẩn, virus vào thực phẩm.

- Để ý tới phản ứng của cơ thể với chế độ ăn này, nếu thấy rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, đầy hơi, mất nước, trào ngược dạ dày... thì có thể bạn ăn quá nhiều đồ tươi sống, nên giảm bớt hoặc thay đổi chế độ ăn.

- Đừng quá thần thánh và lạm dụng chế độ ăn này, phải hiểu là nó có những mặt trái và chỉ phù hợp với bạn trong giai đoạn nào đó mà thôi. Nếu ăn vì mục đích giảm cân khi thực sự bạn cần giảm cân vì lý do sức khỏe theo yêu cầu của thầy thuốc thì đó là sự hợp lý; nếu bạn tự ăn vì ám ảnh cân nặng hay mục đích ép cân hay giữ dáng thì phải xem lại.

- Nên ăn uống đa dạng và rau củ tươi sống là một phần. Theo bác sĩ Vũ, mỗi ngày một người trưởng thành nên ăn ít nhất 5 phần rau củ và trái cây, tương đương với 400g. Đây cũng là định mức được Tổ chức Y thế Thế giới (WHO) đưa ra. "Y học cổ truyền cũng có lời khuyên cái gì thái quá đều bất cập, ăn nhiều đồ tươi sống sẽ làm hại tỳ vị", bác sĩ Vũ chia sẻ.

- Trong ăn uống và dinh dưỡng không nên chạy theo trào lưu. Nếu thấy cơ thể có vấn đề nên thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ chuyên ngành dinh dưỡng để có lời khuyên phù hợp.

Nói về chuyện ăn theo chế độ eat clean của chị Linh, bác sĩ Vũ cho rằng đó là tín hiệu đáng mừng do chị chỉ thực hiện ăn 80% và có sự chuẩn bị các loại thực phẩm đảm bảo. Tuy nhiên, để điều trị căn bệnh tiền tiểu đường chị cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán mức độ bệnh, uống thuốc đều đặn và phải tuân thủ theo phương pháp điều trị của bác sĩ.

"Trường hợp của chị Linh, chỉ mới đạt ngưỡng an toàn của chỉ số đường huyết. Chỉ số này có thể thay đổi theo từng lần đo, đo trong thời gian nào trong ngày hay đo lúc đói hay no và nó không thể đánh giá hết được căn bệnh tiền tiểu đường", bác sĩ Vũ nhấn mạnh.

* Tên nhân vật đã thay đổi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm