PV: Khi biết mình là người đồng tính, cảm xúc của Đen và Ly thế nào và cách mà bạn đã công khai câu chuyện đó với gia đình?
- Đen: Thời điểm em biết mình là người đồng tính là khi em học cấp 2. Lúc đầu, em cảm thấy rất buồn vì khi ấy Internet chưa phát triển, chưa có các trang mạng xã hội như facebook bây giờ và em có cảm giác mình chỉ có một mình. Em chỉ có 1 quyển sổ và em đã ghi nhật ký vào đó rồi cất kỹ đi. Bố mẹ em khi ấy, chắc cũng sợ con cái có vấn đề gì, muốn tìm hiểu, nên mẹ đã đọc trộm nhật ký của em, song bà im lặng. Mãi đến năm 2009, khi em học lớp 12 xong, mẹ nói lại chuyện này. Mẹ bảo đã biết em là người đồng tính từ quyển sổ đó và nói thêm: "Mấy hôm trước, xem trên tivi, thấy nói về người đồng tính và người ta đã tự tử, mẹ lo sợ nên muốn nói với con là mẹ biết sự thật rồi. Con là người như thế nào thì cứ sống như vậy".
- Ly: Lần đầu tiên em biết yêu người cùng giới là sau khi học xong cấp 3, em vào TPHCM học Đại học Hoa Sen. Em gặp 1 chị cùng lớp, rồi yêu chị ấy. Ngày nào em cũng chờ tin nhắn của chị ấy. Khi đó, cảm xúc của em là bình thường. Em thấy thích là thích thôi chứ không nghĩ mình biến thái hay bệnh hoạn gì. Khi mẹ em biết em là người đồng tính thì em nghĩ mẹ cũng buồn, có thể là thất vọng nữa, kiểu như “Sao con mình lại như thế?”, song mẹ không thể hiện ra, hoặc không tỏ thái độ trước mặt em. Cũng có thể là mẹ làm trong lĩnh vực nghệ thuật, đã quen với một số người như vậy trong giới rồi.
Mẹ Ly (bìa trái) cùng Diệu Ly và Đen. Ban đầu, mẹ Ly không thích lắm nhưng đến giờ thì rất quý Đen. Mẹ Ly còn có ý định sẽ tham dự những buổi offline dành cho các phụ huynh có con là người đồng tính ở Hải Phòng |
PV: Những khi cùng nhau sánh bước trên đường, hai bạn có hay bị người ngoài chỉ trỏ hay xì xào gì không?
- Ly: Về phía hàng xóm thì em chưa thấy có ai xì xào trước mặt mình nhưng cũng có thể họ nói sau lưng và mình không biết được. Ngoài ra, em cũng chưa thấy mẹ em bảo kiểu như: “Mẹ nghe thấy cô này, cô kia nói về con…”. Nhưng về phía bên nhà Đen thì hàng xóm có bàn tán, cũng có hỏi về tụi em.
Đen cho biết khi Ly về sống ở nhà Đen, thấy 2 đứa quấn quýt bên nhau, những người ở gần nhà Đen cũng có tò mò. Họ hỏi mẹ Đen: "Cô bé đó là thế nào?" và mẹ Đen đã phải trả lời tránh đi: “Nó là con nuôi của tôi” |
PV: Với Đen, khi nhìn ngoại hình nam tính của bạn, mọi người có nói gì không?
- Đen: Cũng có. Mọi người đôi khi cũng tò mò kiểu như "Con gái mà nhìn như con trai"... và người quen đã hỏi kiểu như bao giờ em lấy chồng. Mẹ em thường phải bảo "nó không lấy chồng đâu, nhìn nó như đàn ông, ai thèm lấy".
PV. Theo 2 bạn thì vấn đề khó khăn nhất trong cuộc sống của các cặp đôi đồng tính nói chung và đồng tính nữ nói riêng là gì?
- Ly: Khó nhất nhất là về công việc, hầu hết những bạn trong giới như Đen (bề ngoài giống con trai) gặp nhiều khó khăn. Như em là nữ, bề ngoài nhìn nữ tính thì tương đối dễ khi đi xin việc, còn Đen, cũng có nơi yêu cầu phải có ngoại hình đúng với giới tính nên hơi khó. Tiếp đó là về pháp lý, em với Đen, rõ ràng sống với nhau, gọi nhau là "vợ chồng" nhưng ví dụ khi em phải vào viện, Đen là người ở bên em hàng ngày, là người đưa em vào, nhưng nếu cần ký giấy bảo lãnh thì Đen lại không thể vì về mặt giấy tờ, chúng em không được phép đăng ký kết hôn, không là gì của nhau cả.
Có lần Đen phải trình giấy tờ tùy thân với công an và đã phải giải thích rất nhiều. Người ta không tin giấy tờ tùy thân đó là của Đen, khi mà bề ngoài Đen giống con trai mà trong chứng minh thư thì tên vẫn còn chữ "Thị" (Đen là tên mà bạn tự đặt do không muốn giữ tên cũ nghe giống như con gái) |
PV: Có ý kiến cho rằng cộng đồng người đồng tính sống và hành động nhiều theo cảm xúc. Vậy theo 2 bạn thì hoàn cảnh gia đình có tác động nhiều đến tâm lý, cũng như cảm xúc của các bạn không?
- Ly: Với em hoặc bạn bè mà em từng quen, là những người sống theo cảm xúc của chính mình chứ không phải do hoàn cảnh gia đình hay các tác nhân bên ngoài tác động. Chúng em cũng như mọi người, cũng như người dị tính thôi: Muốn yêu nhau, đến với nhau thì cũng phải cần có cảm xúc. Tình cảm đồng tính là thứ tự nhiên mà có. Ví dụ, ngay cả với hôn nhân dị tính, nếu bị sắp đặt thì cũng khó có tình cảm, khó yêu được. Không phải cứ bạn đồng tính nữ này thấy bạn đồng tính nữ kia là yêu nhau ngay được...
PV: Bạn có nghĩ tình yêu của người đồng tính khó vượt qua được các thử thách của cuộc sống?
- Ly: Để nói về tình yêu, thì với người đồng tính, nó rất mong manh. Nếu người dị tính, ngoài tình cảm, họ còn có những sự liên kết, ví dụ về pháp lý (được đăng ký kết hôn), về con cái, hoặc sự ủng hộ của 2 bên gia đình… Khi họ gặp khó khăn, có ý định bỏ nhau thì sự ràng buộc, cân nhắc có thể rất lâu, rất kỹ mới đưa ra quyết định được. Với người đồng tính, có thể rất yêu nhau nhưng đến với nhau, ở với nhau được lâu lại là vấn đề khác… Pháp luật Việt Nam chưa đồng ý để người đồng tính kết hôn, muốn có con cũng khó, cần thời gian dài mới dám đưa ra quyết định sinh con (việc cấy ghép, thụ tinh nhân tạo cũng khó khăn, tốn kém…); 2 bên gia đình thì còn nhiều e ngại…
PV: Hai bạn muốn nói gì với những bạn đồng tính chưa "come out" (công khai), chưa dám sống thật với mình hay nói cách khác là chưa "lộ sáng"?
- Ly: Em cũng từng nói với một số bạn trong giới chưa dám "come out" rằng trước mình đã có rất nhiều người đồng tính can đảm lên tiếng và sống thật. Không phải ngẫu nhiên mà có những người như cô Nhung, cô Phương ở Quảng Ninh, các cô đã có chồng, có con rồi, nhưng để được sống đúng là mình, chọn cách sống thật để được hạnh phúc, các cô đã dám công khai, dám vượt qua tất cả dư luận, kỳ thị để đến được với nhau... Vậy nêu các bạn cứ bước thôi, cứ là chính bản thân mình. Hãy làm như thế nào đó để mình được sống thật là mình nhất.
Vượt qua nhiều kỳ thị, Ly và Đen đã bên nhau với tình cảm yêu thương, chăm sóc ân cần |
PV: 2 bạn có muốn gửi gắm thông điệp nào đó đến với mọi người?
- Ly & Đen: Chúng em rất muốn nói rằng, chúng em cũng chỉ là những người bình thường, như bao người khác. Đồng tính không phải là bệnh. Người đồng tính không có điều gì khác so với người dị tính, chỉ có điểm khác biệt duy nhất là cảm xúc, con tim của mình thì dành cho những người cùng giới tính, chứ không phải là dành cho người khác giới. Vì vậy, bọn em muốn được đối xử công bằng như bao người khác mỗi khi chúng em đi làm, hay ra ngoài đường. Em muốn mọi người nhìn chúng em với ánh mắt bình thường thôi, chứ không phải là với ánh mắt soi mói, khó hiểu, kỳ thị!