Cát Hải 'tỉnh giấc' với cây cầu vượt biển

24/12/2018 - 14:55
Mấy thập niên qua, Cát Hải mặn mòi, đói nghèo và xa vời vợi dù đường chim bay so với đất liền chỉ vài cây số. Nhìn đi nhìn lại, vẫn hạt muối, con tôm, con mực, con ngao, mà nhiều khi gặp mùa bão là mất trắng. Thành phố Hải Phòng phải cấp gạo, trợ cấp, trợ cước, trợ giá. Thành phố không quên người dân ở đảo. Nhưng dân đảo vẫn nghèo.
Mới vài năm về trước thôi, bà Nguyễn Thị Hà, thị trấn Cát Hải (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng), không thể tưởng tượng ra được rằng, hằng ngày bà có thể vào trung tâm thành phố để đi chợ hay mua sắm bằng xe gắn máy chỉ mất chừng 15 phút. Trung tâm thành phố Cảng, với người đàn bà đã ngoại lục tuần khi đó là một cái gì đó xa xôi. Mỗi năm, bà chỉ có dịp ghé vào đó vài lần, khi có chuyện cần kíp và phải nhờ con trai đưa đi. Mỗi chuyến đi thường mất trọn một ngày. Về nhà cũng là khi đã tối mịt.
 
Không riêng gì bà Hà, với người dân huyện đảo Cát Hải, họ cũng không thể hình dung được một ngày, sau những chuyến ra khơi câu mực hay thu hoạch ngao, tôm, họ có thể đóng thùng và chở thẳng vào đất liền để bán bằng xe gắn máy mà khi vào đến nơi, tôm vẫn còn búng tanh tách, tươi roi rói.
 
cathai.jpg
Thị trấn của huyện đảo Cát Hải nhìn từ trên cao
Cát Hải, trong tâm thức người dân thành phố Cảng khi đó là một địa danh gắn liền với cái mặn mòi của khơi lộng và cả sự xa xôi. Sự xa xôi không phải tính bằng đường chim bay mà bởi sự “đỏm dáng đến vô duyên” của hai bờ bị chắn ngang bởi một còn lạch hẹp. Cái sự “vô duyên” đó khiến cho bà Hà phải vài tháng mới có dịp vào thăm cô con gái lấy chồng trong trung tâm thành phố một lần, dù bà “nhớ thằng Cún lắm lắm” (đứa cháu trai). Cái “vô duyên” đó cũng khiến cho những con tôm, con cá, con mực của Cát Hải, vốn nổi tiếng tươi ngon nhưng chưa bao giờ được giá, “dân buôn vào tận đây mua, họ ép giá ghê lắm, vì mình ở xa” - như lời một người dân tâm sự. Cái sự “vô duyên” đó cũng khiến cho những con em Cát Hải, dù mong muốn được đi học ở các trường trong thành phố nhưng chỉ đành ngậm ngùi coi đó là giấc mơ. Và, còn hàng trăm hệ lụy khác bởi sự “vô duyên” này, mà như người ta nói - con lạch làm nên sự xa cách.
 
Chị Vũ Thị Mỹ Liên, Chủ tịch Hội LHPN huyện đảo Cát Hải, vẫn còn nhớ như in những hôm vào lớp học trong cơn buồn ngủ, bởi phải dậy từ khi trời rạng cho kịp đi chuyến phà đầu tiên để vào thành phố. Chuyện chưa xa xôi lắm, chỉ vài năm nay thôi. Mỗi chuyến về nhà vào dịp nghỉ cuối tuần, với chị là những chuyến “hành xác” đúng nghĩa. Đi phà từ thành phố về Cát Hải, rồi lại đợi phà từ Cát Hải về Cát Bà, mà theo chị Liên là “bình thường thì không sao, nhưng mùa đông và trời mưa gió thì quá khổ”. “Có hôm phải nhịn đói, đi cho kịp chuyến phà để vào thành phố học. Khi đó chẳng có xe. Cũng có lần, may mắn gặp đoàn xe khách du lịch ra tham quan Cát Bà, khi đi về họ thấy thương tình và cho đi cùng”, chị Liên nhớ lại. Trường đại học nơi chị Liên học ở trung tâm thành phố, chỉ không đầy 20 cây số, vậy mà cứ thành xa lắc xa lơ.
 
Mấy thập niên qua, Cát Hải vẫn mặn mòi, đói nghèo và vời vợi. Nhìn đi nhìn lại, vẫn hạt muối, con tôm, con mực, con ngao, mà nhiều khi gặp mùa bão là mất trắng. Thành phố phải cấp gạo, phải trợ cấp, trợ cước, trợ giá. Thành phố không quên người dân ở đảo. Nhưng dân đảo vẫn nghèo. Cán bộ trăn trở, người dân trăn trở. Nỗi trăn trở gói đầy trong hàng chục trang nghị quyết của Đảng bộ huyện đảo Cát Hải sau mỗi kì đại hội, nỗi trăn trở cũng theo bước người dân đi sang tận các vùng Quảng Ninh, Thái Bình để học hỏi mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, hầu mong về áp dụng mô hình cho huyện đảo của mình.
 
Nhưng bất lực. Vẫn nghèo, vẫn đói, vẫn bế tắc. Không có giao thông, không có giao thương, không có trao đổi, không thể bứt phá để đi lên. Tất cả cũng chỉ vì thiếu một cây cầu. Lãnh đạo huyện đảo biết, dân đảo biết, lãnh đạo thành phố biết, song lực bất tòng tâm, vì không có tiền. “Xây cầu vượt biển, hàng chục nghìn tỷ đồng, lấy tiền đâu ra. Hải Phòng không nghèo, nhưng ngân sách thành phố còn phải “gánh” cho bao nhiêu việc khác, mà cái nào cũng cần kíp, cũng đều quan trọng cả”, một cán bộ huyện đảo Cát Hải tâm sự.
 
Ngày 2/9/2017 có lẽ là một ngày lịch sử của vùng đất này. Đó là ngày mà cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện với tổng vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng, dài 5,4 km, do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư chính thức khánh thành và thông xe sau 3 năm thi công (2014 - 2017), chủ yếu từ vốn vay ODA của Nhật. Cũng là lần đầu tiên, người dân Cát Hải được đón cán bộ từ Trung ương về thăm, điều mà trước nay chưa từng có.
 
a1-8.jpg
Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện

 

Rồi đây, những cánh đồng muối được thay thế bằng những công xưởng, nhà máy công nghiệp với quy mô sản xuất lớn hàng nghìn công nhân. Những người dân Cát Hải cũng từ bỏ ghe, cào, giã để đeo găng tay, đội mũ phòng hộ để làm việc trong các khu công nghiệp. Lần đầu tiên, “công nghiệp hóa” hiện hữu ở huyện đảo này mà không phải chỉ là khái niệm mơ hồ hay chỉ nghe trên đài báo, tivi và người dân được thấy, được làm, được sống trong môi trường công nghiệp hóa thực sự...
 
“Có cây cầu là khác hẳn đấy. Mà chưa cần khi có cây cầu đâu, ngay cả khi có thông tin dự án xây cầu thôi, cả huyện Cát Hải đã khác rồi. Nhà đầu tư họ nắm thông tin nhanh lắm, về đặt vấn đề đầu tư, lấy mặt bằng xây dựng nhà máy ngay. Thu nhập của người dân Cát Hải chỉ so năm nay với năm 2016 thôi mà đã tăng lên đến 2,5 lần. Nhờ công nghiệp và dịch vụ cả đấy, trước có mơ cũng chả thấy”, ông Hoàng Sâm, Chánh Văn phòng UBND huyện đảo Cát Hải, hồ hởi nói. Không chỉ ông Sâm, người dân cũng đang cảm nhận được sự thay da đổi thịt của Cát Hải từng ngày.
 
Theo số liệu của UBND huyện Cát Hải, hiện cả huyện không còn hộ đói. Hộ nghèo đã giảm xuống chỉ còn 96 hộ vào năm 2018 và dự kiến chỉ còn 70 hộ và năm tới. Huyện Cát Hải cũng đang đề ra chính sách phát triển để sao cho hài hòa giữa công nghiệp, dịch vụ và du lịch, đây sẽ là những đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
 
16_zing.JPG
Người dân cho biết trước đây từ đảo Cát Hải sang quận Hải An mất 1 tiếng đồng hồ nhưng đi cầu vượt biển chỉ mất hơn 5 phút. Ảnh: Zing

 

Nhưng cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện không chỉ có ý nghĩa với người dân Cát Hải. Đó còn là chiếc cầu có ý nghĩa chính trị, kinh tế, lịch sử với cả nước. Đó còn là tầm nhìn xa của Đảng, của Trung ương. Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển thành công kinh tế biển tổng hợp gồm các lĩnh vực như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác...
 
Có người đã mơ đến viễn cảnh một thành phố Cát Hải ven biển, trong vòng vài chục năm tới. Có thể lắm. Có người còn ví von Cát Hải "như một người đẹp lâu nay đang ngủ quên". Nhưng một điều chắc chắn rằng, hôm nay, "người đẹp ấy đã bừng tỉnh giấc". Cát Hải đã không còn ngủ quên trong tiềm năng!
 
(còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm