Malala diễn thuyết tại quảng trường Trafalgar, London, trong lễ tưởng nhớ nữ nghị sĩ Jo Cox |
Nguồn tin từ Viện nghiên cứu chính sách (có trụ sở tại Washington DC, Mỹ) cho biết, chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 2014 này được trả một con số khổng lồ là 114.000 bảng Anh (tương đương 3,4 tỉ đồng) cho mỗi bài phát biểu của mình. So với số tiền từ bài phát biểu của các chính trị gia nổi tiếng thế giới, số tiền nữ sinh 18 tuổi này thu được không thua kém. Mới tuần trước, Malala Yousafzai vừa có 1 bài phát biểu tại quảng trường Trafalgar, ở London, Anh, trong lễ tưởng nhớ nữ nghị sĩ Jo Cox, người đã bị sát hại trên phố.
Ngoài nguồn thu từ việc diễn thuyết, nữ sinh 18 tuổi này hiện có thu nhập đáng kể từ lợi nhuận bán cuốn hồi ký của mình mang tựa đề “Tôi là Malala”. Được xuất bản năm 2013, cuốn sách kể về câu chuyện cuộc đời của Malala được bán bản quyền với giá trị hợp đồng khoảng 2 triệu bảng Anh. Tới nay, cuốn sách này đã bán được 1,8 triệu bản trên toàn thế giới.
Cuốn hồi ký "Tôi là Malala" hiện bán được 1,8 triệu bản |
Tờ The Sun cho biết, năm ngoái, Malala đã phải đóng thuế thu nhập khoảng 200.000 bảng Anh (tương đương gần 6 tỉ đồng). Malala cùng với bố mẹ của cô hiện là những cổ đông chính tại công ty Salarzai, nơi giữ bản quyền xuất bản cuốn hồi ký “Tôi là Malala”. Tính đến tháng 8/2015, công ty này có khoảng 2,2 triệu bảng Anh trong tài khoản ngân hàng.
Với nguồn thu từ lợi nhuận bán sách, gia đình Malala đã gia nhập nhóm triệu phú tại Anh. Cô đang theo học tại trường trung học Edgbaston High School for Girls ở Birmingham. Ngôi trường này dành cho nữ với học phí khá cao.
Malala nhận giải Nobel Hòa Bình năm 2014 |
Năm 2012, Malala bị một tay súng Taliban bắn trên một xe buýt đưa đón học sinh, vì đã vận động các bạn cùng lứa đến trường ở khu vực mà lực lượng Hồi giáo cực đoan kiểm soát. Sau đó, Malala được chuyển bằng máy bay đến Bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth tại thành phố Birmingham để chữa trị những vết thương đe dọa mạng sống. Kể từ khi bình phục, Malala sống tại Birmingham cùng cha và vẫn không ngừng đóng góp vào phong trào đấu tranh vì quyền học hành cho các bé gái. Năm 2014, cô được trao giải Nobel Hòa Bình. Ở tuổi 16, cô trở thành người trẻ tuổi nhất được nhận giải thưởng này.