pnvnonline@phunuvietnam.vn
Câu đố tiếng Việt: "Để nguyên thì bốc mùi hôi, bỏ huyền thêm sắc thành ra họ hàng", đố là chữ gì?
Hệ thống dấu thanh "ngang, huyền, hỏi, sắc, nặng" khiến tiếng Việt của chúng ta có sự phong phú, biến hóa về ngôn từ. Cùng là một chữ nhưng chỉ cần thay đổi dấu là ta đã có những nghĩa khác nhau.
Chẳng hạn "co" (động từ) nghĩa là "gập tay hoặc chân vào, hoặc tự thu gọn thân hình lại", hay "tự thu nhỏ bớt thể tích, phạm vi (do chịu sự tác động từ bên ngoài)", thêm dấu huyền thành "cò" (danh từ) - "chim có chân cao, cổ dài, mỏ nhọn, lông thường trắng, sống thành bầy ở gần vùng nước, ăn các loài tôm cá nhỏ".
Thêm dấu sắc thành "có" (động từ) - từ biểu thị trạng thái tồn tại nào đó nói chung", thêm dấu nặng lại thành "cọ" (danh từ) - "cây cao, thuộc họ dừa, lá hình quạt, mọc thành chùm ở ngọn, thường dùng để lợp nhà, làm nón...", (động từ) - "áp vào và chuyển động sát bề mặt một vật rắn khác", "làm cho sạch lớp bẩn bám ở mặt ngoài bằng cách dùng vật ráp chà xát nhiều lần". Thêm dấu hỏi thành "cỏ" (danh từ) - "cây thân mềm và thấp, thường mọc lan thành đám trên mặt đất, có nhiều loài khác nhau, dùng để làm thức ăn cho trâu, bò, ngựa...".
Tận dụng sự đặc biệt của hệ thống dấu thanh, người ta đã nghĩ ra rất nhiều câu đố chữ vui nhộn để thử thách vốn từ vựng, khả năng tư duy, liên tưởng của nhau. Chẳng hạn như một câu đố dưới đây từng khiến khá nhiều người lắc đầu, bó tay nghĩ mãi không ra đáp án. Hãy thử xem, bạn có trả lời được hay không. Câu đố cụ thể như sau:
"Để nguyên thì bốc mùi hôi, bỏ huyền thêm sắc thành ra họ hàng", đố là chữ gì?
Bật mí cho bạn, ở vế thứ nhất, chữ này là tên của một loài động vật có mùi rất hôi, nhưng chỉ cần bỏ dấu huyền và thay bằng dấu sắc thì nó lại là một từ chỉ họ hàng của chúng ra, cụ thể là "em trai của bố".
Nói đến đây, ắt hẳn bạn phải đoán ra rồi đúng không! Nếu gợi ý như vậy rồi mà bạn vẫn cảm thấy mông lung thì xin mác nước cho bạn luôn, đó là chữ "chù", tên của loài "chuột chù", bỏ huyền thêm sắc sẽ thành ra chữ "chú".
Từ "chú" ngoài dùng để chỉ "em trai của bố" thì còn được thiếu nhi dùng để chỉ hoặc gọi người đàn ông đáng bậc chú mình, với ý yêu mến, kính trọng (chú bộ đội); hoặc dùng để chỉ một cậu bé với ý yêu mến, thân mật (chú bé lém lỉnh). Ngoài ra từ này còn một số cách dùng khác như:
- Dùng để chỉ người con trai hoặc người đàn ông trẻ tuổi hay (chú tiểu, chú rể).
- Dùng để chỉ con vật theo lối nhân cách hoá, với ý hài hước (chú ếch con).
- Dùng trong đối thoại để gọi người đàn ông coi như bậc chú của mình với ý yêu mến, kính trọng, hoặc để người đàn ông tự xưng một cách thân mật với người coi như hàng cháu của mình.
- Từ người đàn ông dùng trong đối thoại để gọi em trai (hay là người phụ nữ dùng để gọi em trai chồng) đã lớn tuổi với ý coi trọng, hoặc để gọi một cách thân mật người đàn ông khác coi như vai em của mình (gọi theo cách gọi của con mình).