pnvnonline@phunuvietnam.vn
Câu đố Tiếng Việt: "Vì sao gọi là NHẠC BOLERO?"
Chúng ta hẳn không còn xa lạ với những ca khúc Bolero mang giai điệu trữ tình, da diết. Thế nhưng tên gọi "Bolero" bắt nguồn từ đâu thì không phải ai cũng rõ.
Thực tế, "Bolero" vốn là tên một vũ điệu của Tây Ban Nha, thể hiện những sắc thái của tình yêu từ khi còn ngại ngùng, e thẹn cho đến lúc mãnh liệt, đắm say.
Theo trang etymoonline, "Bolero" là biến âm của "bola" tức là "trái banh", có thể hiểu là vì vũ điệu này có những động tác xoáy tròn như chuyển động của trái banh. Bản thân "bola" lại bắt nguồn từ tiếng Latinh "bulla", nghĩa là "sưng, tấy".
Vũ điệu Bolero của Tây Ban Nha rất thịnh hành vào thế kỷ 18, 19. Tuy nhiên, tiết tấu nhạc không hoàn toàn giống với nhạc Bolero tại Việt Nam. Việc Bolero từ một vũ điệu truyền thống trở thành nhạc trữ tình được cho là công của Jose Pepe Sánchez – cha đẻ của nhạc Bolero tại Cuba. Về sau, 2 thể loại này được phát triển độc lập dù vẫn chung tên gọi.
Tóm lại, "Bolero" vốn là tên một vũ điệu Tây Ban Nha, bắt nguồn từ "bola", tức "trái banh/quả bóng".
Cho những ai chưa biết, nhạc Bolero còn có tên gọi khác là "nhạc sến". Cụm từ này ra đời từ thập niên 1960 của các gia đình thượng lưu gốc Bắc di cư, có nuôi con sen (Marie sến) trong nhà và họ gọi nhạc của những người bình dân chủ yếu di cư từ nông dân là nhạc sến.
Ngoài ra, dòng nhạc này còn có một tên gọi thú vị nữa là "nhạc máy nước", tức là nhạc của những người bình dân hay lấy nước ở các tụ điểm lấy nước công cộng nghe.
Về nguồn gốc, Bolero Việt Nam là một điệu nhạc có nguồn gốc từ Tây Ban Nha, du nhập sang Mỹ Latinh rồi du nhập vào Việt Nam khoảng đầu thập niên 1950. Điệu Bolero được sử dụng phổ biến nhất trong các bài nhạc vàng tại miền Nam Việt Nam. Điệu Bolero trên thế giới được các nhạc sĩ áp dụng sáng tác trong cả nhạc cổ điển lẫn nhạc đại chúng/nhạc nhẹ.
Ở Việt Nam, nó thường được sáng tác cho nhạc nhẹ. Đặc trưng của Bolero khi vào Việt Nam đã được Việt hoá giúp hợp với lối phát âm của người Việt. Dòng nhạc này mang đặc trưng hát theo kiểu truyền thống, ngân rung đổ hột, làm cho bài hát vừa dễ hát vừa dễ thuộc. Ngoài ra, nó cũng rất hợp với chất cải lương để hát tân cổ giao duyên.
Đặc điểm quan trọng của những bài hát viết bằng điệu Bolero Việt Nam là: Nhiều bài hát mang đậm chất dân ca Nam Bộ, rất ít ca khúc thính phòng hoặc nhạc nhẹ không có chất dân gian; Giai điệu cấu trúc đơn giản, tiết tất đều đều, chậm, thường là nhịp 4/4, ít biến đổi nhịp, ít quãng cao, dễ hát, nhiều chỗ luyến láy cho mềm mại và mùi mẫn; Lời ca bình dân, có nhiều vần và dễ thuộc, dễ nhớ. Các đặc điểm khác như tính quần chúng, tính khái quát, tính tự sự, tính buồn cũng thường thấy nhưng không phải là đặc trưng.
Bolero Việt Nam không chỉ có trong nhạc vàng mà cũng xuất hiện ở các thể loại khác. Vài sáng tác của một số nhạc sĩ nhạc đỏ như: Thế Hiển, Trần Hoàn, Thuận Yến, Vũ Hoàng,… Ở hải ngoại, nhạc sĩ Đức Huy có một số bài Bolero chất Tây phương nhẹ nhàng, trẻ trung.
Nhạc Bolero là một trong những thể loại nhạc dành cho tất cả mọi người, không phân biệt ngành nghề, tuổi tác. Đó là dòng nhạc từ lâu đã được nghe từ nông thôn đến thành thị, từ những anh/chị nông dân đến các cô chú thành thị bởi từng câu ca đều rất bình dị, thân quen. Nhiều người cho rằng thể loại nhạc này đã vượt qua được những giới hạn về sự đơn thuần của giai điệu khiến cho lời bài hát thay thế được tiếng lòng của người tự sự.