pnvnonline@phunuvietnam.vn
Câu hỏi phỏng vấn: "Bạn muốn mức lương bao nhiêu?", người thông minh sẽ không nói ra con số
Ảnh minh họa
Mức lương luôn là vấn đề nhạy cảm trong buổi phỏng vấn. Ứng viên nếu đòi mức lương quá cao thì sợ phía tuyển dụng không đồng ý và mất cơ hội việc làm. Ngược lại, nếu đòi mức lương thấp quá thì lại sợ hố, đồng thời làm giảm giá trị bản thân. Chính vì vậy khi được nhà tuyển dụng hỏi: "Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu", không ít ứng viên tỏ ra bối rối, không biết trả lời ra sao.
Anh Vương (Trung Quốc) trong một buổi phỏng vấn cũng gặp phải câu hỏi này. Sau khi đã trả lời hết tất cả các câu hỏi liên quan đến chuyên môn công việc, anh được phía tuyển dụng hỏi: "Anh muốn mức lương hàng tháng là bao nhiêu?".
Câu hỏi này khiến anh Vương bị rối, nên đã trả lời: "Mức lương sao cũng được, miễn là tôi có cơ hội làm việc này".
Kết quả, anh Vương nhận được câu nói: "Anh hãy quay về và chờ thông báo của chúng tôi". Sau hai ngày không có hồi âm, anh Vương biết mình đã không được nhận công việc này.
Trên thực tế, rất nhiều người rơi vào trường hợp như anh Vương, bị hỏi về công việc thì trả lời trôi chảy nhưng khi nhắc đến tiền lương thì lúng túng như "gà mắc tóc". Vậy phải trả lời nhà tuyển dụng về câu hỏi này như nào? Theo đó, nếu là một ứng viên thông minh, bạn không nên nói trực tiếp con số mà cần làm theo các bước sau đây.
Đầu tiên, đừng vội trả lời mà hãy tìm hiểu bản chất của câu hỏi này. Những người phỏng vấn cũng là nhân viên của công ty, vậy nên họ phải chịu trách nhiệm tuyển dụng được nhân sự phù hợp. Mức lương mong muốn cũng là một trong những yếu tố quyết định xem bạn có phù hợp với công ty hay không.
Thông qua việc chia sẻ về mức lương mong muốn, có thể nhận thấy một số vấn đề thường gặp ở ứng viên: Thứ nhất đánh giá quá cao về bản thân và đòi hỏi lương cao quá mức; thứ hai tự ti về bản thân và không dám nói về lương bổng.
Hai tâm lý này khá cực đoan và sẽ gây ra hai tình huống. Với trường hợp thứ nhất, phía tuyển dụng sẽ cảm thấy bạn quá tự cao và mất cảm tình. Tất nhiên sẽ đánh loại bạn. Với trường hợp thứ 2, ứng viên đã lộ ra nhược điểm và phía tuyển dụng sẽ hạ mức lương của bạn. Do đó, ứng viên cần có sự tự tin và đừng hạ giá trị của mình quá thấp. Đừng khiêm tốn quá mức và cũng đừng tự cao.
Vậy nên trả lời câu hỏi về mức lương như nào?
Đầu tiên, hãy hỏi về mức lương của công ty, sau đó so sánh với mức lương kỳ vọng của bạn và lấy giá trị trung bình. Bạn có thể nói rằng: "Tôi tin rằng công ty có mức lương phù hợp với từng vị trí công việc. Tôi đã tham khảo thông tin tuyển dụng, mức lương hiện tại của vị trí này dao động từ 9-12 triệu đồng/tháng. Anh/chị có thể chia sẻ cụ thể hơn cho tôi được không?".
Tiếp theo hãy thông báo về mức lương của bạn: "Ở công ty trước mức lương của 11 triệu đồng (có thể nói cao hơn thực tế một chút). Lương trung bình trong ngành này khoảng 12 triệu đồng/tháng nên mức lương mong muốn của tôi là 14 triệu đồng/tháng. Đây cũng là sự ghi nhận kinh nghiệm làm việc lâu năm của tôi. Xét cho cùng, đây là thành phố lớn, chi phí sinh hoạt khá đắt đỏ".
Tiếp theo, hãy yêu cầu phía nhà tuyển dụng trả giá mức lương phù hợp. Hãy bày tỏ sự chân thành: "Mục đích phỏng vấn của tôi là gia nhập công ty để nhận ra giá trị của bản thân. Nếu được chọn, tôi sẽ nỗ lực nâng cao giá trị của mình để xứng đáng với mức lương".
Trong trường hợp các công ty khi đăng thông báo tuyển dụng không ghi rõ mức lương là bao nhiêu mà ghi "mức lương thỏa thuận", thì bạn có thể lên các trang web tuyển dụng, gõ tìm vị trí công việc bạn đang nộp hồ sơ để xem các công ty khác trả lương bao nhiêu. Nếu mức lương thường ghi ở khoảng 9 - 12 triệu đồng, thì mức lương chung là 9 triệu.
Quan trọng nhất, đừng xấu hổ khi thảo luận về mức lương với người phỏng vấn. Mức lương không chỉ phản ánh giá trị bản thân mà còn là cơ hội để chứng minh năng lực cá nhân của bạn.
Thông qua mức lương mà công ty có thể trả cho bạn, chúng ta có thể biết mình hiện đang ở mức nào trên thị trường, có thể đo lường tiêu chuẩn nào, và cuối cùng giúp chúng ta tìm được công việc phù hợp nhất với mình.