FIBA là một trong những tổ chức thể thao quốc tế được coi là khá bảo thủ khi nhiều năm qua, tổ chức này nhất quyết không cho phép các cầu thủ nữ mang khăn hijab thi đấu vì lý do… an toàn.
Chính vì sự cấm đoán này mà thời gian qua, một số đội tuyển bóng rổ nữ của các quốc gia Hồi giáo đã không thể tham dự các giải đấu quốc tế. Tiêu biểu nhất là trường hợp của đội bóng rổ nữ Qatar khi họ tuyên bố rút khỏi Asiad 2014 tại Hàn Quốc.
Được tham gia các sự kiện thể thao luôn là niềm mơ ước cháy bỏng của nhiều phụ nữ tại các quốc gia Hồi giáo |
Sau sự việc này, FIBA buộc phải xem xét thay đổi quan điểm của mình. Ban đầu, họ cho phép các cầu thủ nữ mang khăn hijab thi đấu tại Giải vô địch quốc gia để thử nghiệm trong thời 2 năm. Và sau hơn 2 năm, quyết định chính thức đã được ban hành trên phạm vi quốc tế.
Quyết định của FIBA được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng vẫn còn tương đối chậm chạp bởi Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã cho phép các cầu thủ nữ mang khăn hijab thi đấu từ năm 2014.
Các nữ cầu thủ bóng đá Hồi giáo trong trang phục truyền thống thi đấu trên sân cỏ |
Trong những năm gần đây, nhiều đội tuyển bóng đá nữ các quốc gia Hồi giáo khu vực Trung Đông như Sirya, UAE, Iran, Jordan… khi qua Việt Nam thi đấu cũng mang khăn hijab và trang phục truyền thống. Được tham gia các sự kiện thể thao quốc tế từng là niềm mơ ước cháy bỏng của nhiều thế hệ phụ nữ tại nhiều quốc gia Hồi giáo suốt bao năm qua.
Hy vọng sau quyết định của FIBA, sẽ tiếp tục có thêm nhiều tổ chức thể thao khác sẽ cho phép các nữ VĐV của các quốc gia Hồi giáo được mang trang phục truyền thống khi thi đấu. Việc này được cho là sẽ tạo điều kiện và động viên lực lượng nữ VĐV các quốc gia Hồi giáo tích cực tham gia vào các sự kiện thể thao quốc tế, thúc đẩy bình đẳng giới ở các quốc gia này.