CFO Huawei gặp vấn đề sức khỏe khi bị giam giữ tại Canada

11/12/2018 - 13:17
“Tôi lo lắng sức khỏe của tôi sẽ ngày càng xấu đi khi tôi bị giam giữ” - Giám đốc điều hành của “gã khổng lồ” viễn thông Trung Quốc Huawei, bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Châu) chia sẻ trong bản khai của mình.

Sau 2 phiên điều trần bị hoãn lại, hiện bà Meng vẫn đang phải chờ phán quyết tại ngoại của tòa án Canada.

Bà đã bị bắt giữ tại Vancouver, Canada vào ngày 1/12 trong khi đang chờ đổi máy bay trong chuyến đi từ Hồng Kông đến Mexico. Động thái này ngay lập tức đã khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận, làm rung chuyển thị trường chứng khoán và gia tăng căng thẳng trong bối cảnh “đình chiến” thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Động thái phản đối kịch liệt mới nhất của Trung Quốc với vụ bắt giữ bà Meng là việc đình chỉ một phái đoàn thương mại quy hoạch lâm nghiệp Canada sang Trung Quốc trong tuần này.

Bà Meng Wanzhou chia sẻ lo lắng về sức khỏe của mình.

Về phần mình, bà Meng đã đồng ý nộp hộ chiếu của mình cho hệ thống giám sát điện tử nếu như bà được thả tự do trong khi chờ kết quả dẫn độ.

Luật sư của bà Meng, ông David Martin khẳng định trước tòa: “Với hồ sơ đặc biệt của mình, bà ấy (bà Meng) là gương mặt của một công ty lớn của Trung Quốc. Nếu bà ấy chạy trốn hoặc vi phạm trật tự trong bất kỳ trường hợp đặc biệt nào, sẽ là không quá lời khi nói bà ấy sẽ làm quê hương Trung Quốc xấu hổ”.

Ông David cũng cho biết bà sẽ được đeo một chiếc vòng tay theo dõi trong trường hợp bà được thả tự do ngay lập tức.

Trong một bản lời khai dài 55 trang, từ khi bị bắt, bà Meng cho biết bà đã phải điều trị tăng huyết áp trong bệnh viện. Bà cũng cho biết bà mắc nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm cả việc phải phẫu thuật ung thư tuyến giáp vào năm 2011. “Tôi vẫn cảm thấy không khỏe và tôi lo lắng sức khỏe của tôi sẽ ngày càng xấu đi khi tôi bị giam giữ”, trích từ bản lời khai của bà Meng.

Ngoài ra, bà Meng còn khẳng định: “Tôi muốn ở lại Vancouver để tranh luận về việc dẫn độ tôi và tôi sẽ tranh luận về các cáo buộc tại phiên tòa ở Mỹ nếu cuối cùng tôi vẫn bị dẫn độ sang Mỹ”.

Trước thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang đã lên tiếng chỉ trích cách Canada đối xử với bà Meng và cho rằng “có vẻ như nhà tù Canada đã không cung cấp cho bà (bà Meng) các điều kiện chăm sóc sức khỏe cần thiết”, theo trích dẫn từ báo Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc.

“Chúng tôi tin rằng đây là hành động vô nhân đạo và vi phạm nhân quyền của bà ấy”, ông Lu Kang đã nói như vậy trong một cuộc họp báo thườngkỳ.

Về phía Canada, công tố viên John Gibb-Carsley đã yêu cầu từ chối đề nghị được tại ngoại của bà Meng bởi các cáo buộc hình sự nghiêm trọng về gian lận. Đặc biệt, bà Meng bị buộc tội nói dối với các chủ ngân hàng về việc sử dụng một công ty con bí mật để buôn bán với Iran, vi phạm lệnh pháp trừng phạt của Mỹ với nước này.

Nếu bị kết án, bà Meng sẽ phải đối mặt với hơn 30 năm tù. Quá trình dẫn độ có thể mất vài tháng, thậm chí nhiều năm, nếu kháng cáo.

Bà Meng cho biết bà đã có mối quan hệ đặc biệt với Vancouver từ 15 năm trước. Bà và chồng bà là ông Liu Xiaozong sở hữu 2 ngôi nhà tại thành phố này. Thậm chí, bà còn có giấy phép cư trú vĩnh viễn tại Canada nhưng bà đã từ chối.

Ông Liu cũng đã có mặt tại phiên tòa xử vợ mình và đã đề nghị lấy nhà và 1 triệu đô la tiền mặt (tất cả có tổng giá trị lên đến 15 triệu đô la Canada) làm tiền bảo lãnh cho vợ.

Cảnh sát cũng đã đến một trong những ngôi nhà của vợ chồng bà Meng, nằm trên khu phố Dunbar, Vancouver, bởi một vụ đột nhập có thể đã xảy ra vào đầu ngày 9/12.

Trước phân tích cho rằng vụ bắt giữ bà Meng có thể được sử dụng như một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nhưng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã bác bỏ phân tích. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã tuyên bố chính trị không đóng vai trò gì trong quyết định bắt giữ bà Meng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm