‘Cha đẻ’ sản xuất vaccine trong nước giúp hàng triệu trẻ em tránh nguy cơ tử vong và bại liệt

22/07/2018 - 19:18
GS Hoàng Thủy Nguyên được coi là “cha đẻ” của thành tựu nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine trong nước, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia có thể tự chủ cung cấp nguồn vaccine cho tiêm chủng rộng rãi trong toàn dân, phòng ngừa rất nhiều bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm.

GS. Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Hoàng Thủy Nguyên đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 11 giờ 40 phút ngày 20/7/2018, hưởng thọ 90 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho bè bạn, đồng nghiệp, học trò, nhất là những cán bộ làm công tác y tế dự phòng trên cả nước. Cả cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với sự phát triển hệ thống y tế dự phòng. Ông cũng là người đặt nền móng cho sự nghiệp sản xuất vaccine của Việt Nam...

image003.jpg
GS Hoàng Thủy Nguyên (phải) tham gia nghiên cứu sản xuất vaccine

 

GS Hoàng Thủy Nguyên xuất thân từ một gia đình nổi tiếng hiếu học và có truyền thống về Y học cách mạng. Ông sớm tiếp thu chủ trương sáng suốt của Đảng xác định lấy y học dự phòng là định hướng quan trọng trong phát triển y học của Việt Nam, một đất nước nghèo trải qua muôn vàn khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế cũng như xã hội. Cả cuộc đời hoạt động của GS Hoàng Thủy Nguyên luôn gắn liền với sự phát triển của hệ thống y tế dự phòng tiên tiến của nước nhà.

Từ những năm 1960, kế tục sự nghiệp các vị tiền bối xuất sắc của ngành y tế như GS Phạm Ngọc Thạch, GS Hoàng Tích Trí, GS Đặng Văn Ngữ..., GS Hoàng Thủy Nguyên cùng với các đồng nghiệp ưu tú đương thời đã đặt những viên gạch đầu tiên cho hệ thống y tế dự phòng nước ta. Trước hết là xây dựng hệ thống các Viện và Trung tâm nghiên cứu về y học dự phòng có tầm cỡ quốc tế ở trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tiếp theo là xây dựng các Trạm vệ sinh dịch tễ, Trạm vệ sinh phòng dịch tuyến huyện và tuyến tỉnh. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, các Trạm đã mở rộng tới toàn bộ các tỉnh phía Nam, hình thành một mạng lưới rộng khắp cả nước, tiền thân của hệ thống các Trung tâm Y tế dự phòng tiên tiến ngày nay.

gs.jpg
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao xác nhận Thanh toán bệnh bại liệt cho GS Hoàng Thủy Nguyên năm 2000 

 

Bước vào thời kỳ những năm 1970 khi đất nước còn trong tình thế bị bao vây, cô lập và thiếu thốn trăm bề, GS Hoàng Thủy Nguyên với uy tín hoạt động khoa học quốc tế của mình, đã cùng với các nhà khoa học Y học nổi tiếng khác tìm ra được bước đi mới bằng việc tranh thủ sự đồng tình về tinh thần và hỗ trợ về trang thiết bị, hóa chất, thuốc men thiết yếu từ những tổ chức quốc tế và quốc gia có uy tín để trang bị cho hệ thống các Viện, Trạm, Trung tâm Y tế dự phòng của Việt Nam.

Lần đầu tiên những cán bộ dự phòng nước ta được làm chủ các phương tiện xét nghiệm, giám sát, chống dịch, vaccine phòng ngừa bệnh và phương tiện vận chuyển, đi lại hiện đại và tiên tiến nhất. Là nhà tổ chức, nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, GS Hoàng Thủy Nguyên cũng là người thầy của nhiều thế hệ sinh viên y khoa, cán bộ y tế dự phòng các tuyến trên cả nước. Là người thầy giảng dạy ở các lĩnh vực virus học, Dịch tễ học, Miễn dịch học và Y tế công cộng, ông đã truyền tâm huyết và kiến thức tiên tiến cho lớp lớp các thế hệ nhà khoa học Y học dự phòng. Rất nhiều học trò của ông đã và đang là những chuyên gia hàng đầu về Y tế dự phòng của nước nhà.

Giúp hàng triệu trẻ em tránh nguy cơ tử vong và bại liệt

GS Hoàng Thủy Nguyên còn được coi là "cha đẻ" của thành tựu nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine trong nước. Trong những năm 1960, bệnh bại liệt bùng phát thành dịch lớn tại hầu hết tỉnh phía Bắc với hàng nghìn cháu bé mắc bệnh, trong đó có hàng trăm trẻ bị tử vong hoặc nếu khỏi thì cũng để lại những di chứng bại liệt nặng nề suốt đời. Dưới sự chỉ đạo của GS Hoàng Thủy Nguyên, các nhà khoa học của Viện Vệ sinh Dịch tễ học Hà Nội (tiền thân của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) đã tập trung nghiên cứu sản xuất thành công vaccine Sabin phòng bệnh bại liệt.

Từ năm 1985, vaccine bại liệt uống do Việt Nam sản xuất được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng để triển khai cho trẻ em dưới 1 tuổi thường xuyên. Từ năm 1990, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được uống đủ 3 liều vaccine bại liệt trong tiêm chủng liên tục đạt trên 90%.

gs2.jpg
GS Hoàng Thủy Nguyên tham gia giảng dạy và đào tạo về vi trùng học
 

Đây là cơ sở vững chắc để Việt Nam đạt mục tiêu Thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 và duy trì thành quả một cách bền vững đến ngày nay. Những năm tiếp theo cho tới cuối đời, với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Xác nhận thanh toán bại liệt của Việt Nam, GS Hoàng Thủy Nguyên luôn chỉ đạo sát sao sự nghiệp bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt - căn bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em Việt Nam.

Cùng với thành công vô cùng ấn tượng của vaccine Sabin trong thanh toán bệnh bại liệt, Việt Nam đã tự sản xuất được nhiều loại vaccine phòng các bệnh đậu mùa, tả, thương hàn, ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, sởi, lao, bệnh dại, bệnh tiêu chảy do virus rota, viêm phổi do vi khuẩn HiB...

Với sự chỉ đạo và tư vấn của GS Hoàng Thủy Nguyên, Việt Nam đã hình thành mạng lưới các cơ sở sản xuất vaccine, bao gồm Công ty TNHH Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Viện sản xuất vắc xin Nha Trang (IVAC), Trung tâm Khoa học sản xuất vắc xin Sabin (POLYOVAC). Đến nay trong tổng số 12 loại vaccine đang được sử dụng rộng rãi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và phòng chống dịch, đã có tới 11 loại được sản xuất trong nước.

Ngành Y tế và toàn thể những người làm công tác Y tế dự phòng Việt Nam vô cùng tự hào vì đã có một nhà khoa học thông tuệ, biết nhìn xa trông rộng, một người đồng nghiệp tận tâm và luôn đồng cảm, một nhà giáo đáng kính nhưng vẫn luôn gần gũi. GS Hoàng Thủy Nguyên đã đi về cõi vĩnh hằng nhưng công lao và sự nghiệp vẻ vang của ông vẫn còn lưu lại trong mỗi Viện nghiên cứu, mỗi Trung tâm y tế dự phòng, mỗi cơ sở sản xuất vaccine, mỗi phòng xét nghiệm vi sinh y học, mỗi giảng đường và trong từng bài giảng ở các trường đại học Y-Dược...

Với những đóng góp vô cùng to lớn đó, GS Hoàng Thủy Nguyên đã được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huy hiệu 55 tuổi Đảng cùng nhiều phần thưởng vô cùng cao quí khác. Nhưng cao quý hơn tất cả chính là hình ảnh của một trí thức lớn, một nhà khoa học hết lòng vì sự nghiệp y tế dự phòng, vì sức khỏe cộng đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm