Áp lực học tập và những biểu hiện tâm lý bất thường
Thiếu hụt tình cảm gia đình khiến con trẻ rối nhiễu tâm lý
Áp lực học tập khiến nhiều đứa trẻ không còn thời gian để tham gia các hoạt động giải trí lành mạnh, nhiều đứa trẻ sống trong sự thiếu hụt tình cảm tình trạng “ly hôn xanh” của các gia đình cũng là một tác nhân khiến trẻ có những rối nhiễu tâm lý.
Phụ huynh của một học sinh lớp 1 chia sẻ, chị ly hôn từ khi con trai được 14 tháng tuổi. Sau đó, con chị có những biểu hiện rối loạn về mặt tâm lý như rối loạn giấc ngủ, phản ứng thiếu hụt về nhu cầu tình cảm và hình ảnh của một người cha trong gia đình. Nếu quan sát bên ngoài, nhiều người sẽ nghĩ rằng đứa trẻ hoàn toàn bình thường nhưng thực chất thì con chị liên tục phải kìm nén cảm xúc bên trong. Khi con có nhu cầu mà không được đáp ứng thì con sẽ có những hành vi phản ứng như nắm chặt tay, giận dữ và hét to. Con thường thiếu tự tin, khi đến chỗ đám đông, con khó hòa đồng với người mới, không thân thiện và không dễ dàng tiếp xúc.
“Đứa trẻ bằng cách này hay cách khác đều có những thiếu hụt mà không phải bố mẹ nào cũng thừa nhận là con mình đang có những tổn thương về mặt tinh thần. Với sự không thừa nhận như thế, các con không được quan tâm và đáp ứng để giải quyết vấn đề trong một thời gian dài, dẫn đến trẻ sẽ thu mình hơn. Cha mẹ luôn khẳng định rằng đã làm những thứ tốt nhất cho con rồi nhưng điều đó không đúng. Khi thiếu hụt người cha trong gia đình, con sẽ thấy thiếu tự tin. Đây là vấn đề của con tôi nói riêng và rất nhiều trẻ em nói chung” - Phụ huynh nhận định.
Cần được tham vấn kịp thời
Một chuyên gia của phòng Tham vấn học đường, trường Marie Curie cho biết, học sinh khi bắt đầu đến trường là lúc trẻ bắt đầu có những mối quan hệ, giao tiếp ngoài gia đình. Trẻ càng lớn, tâm sinh lý càng phát triển, các mối quan hệ xã hội càng nhiều và phức tạp. Do hạn chế về hiểu biết, kinh nghiệm ứng xử nên học sinh rất dễ bị tổn thương, lúng túng trong xử lý các tình huống thường có những cảm xúc tiêu cực và những hành vi sai lệch.
Như trường hợp của một học sinh lớp 11 mà vị chuyên gia này tham vấn, em có nhiều biểu hiện của bệnh trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Ở nhà, em thường một mình trong phòng, ít nói chuyện và ăn cơm cùng các thành viên trong gia đình. Ở trường, em ít chơi cùng các bạn, thi thoảng thường bỏ lớp học ra hành lang cầu thang ngồi.
Sau buổi làm việc với bố mẹ của em, chuyên gia tham vấn mới biết, em bị tổn thương từ rất lâu vì liên quan đến vấn đề bạo lực trong gia đình. Phòng Tham vấn đã xây dựng phác đồ trị liệu, sử dụng các phương pháp trị liệu tâm lý khác nhau như phân tâm, phóng chiếu, vẽ tranh, xem các video và trò chuyện chia sẻ.
Phụ huynh của em học sinh này cũng cho biết, cháu đã chủ động tìm đến phòng tham vấn và nhờ các chuyên gia tham vấn tại trường hỗ trợ. “Thời gian này cháu phải sử dụng cả thuốc và các khóa học để duy trì cảm xúc tích cực của bản thân. Được sự giúp đỡ của nhà trường, thầy cô, bạn bè và đặc biệt là phòng tham vấn học đường của trường, cháu đã cởi mở hơn, thấy được giá trị của bản thân, nói chuyện và ăn cơm cùng bố mẹ. Mong muốn của gia đình là cháu trở thành người bình thường, kiểm soát được cảm xúc để thực hiện ước mơ du học", phụ huynh chia sẻ.
Anh H., phụ huynh học sinh có con tham gia tham vấn cho biết, khi biết được trường khai trương phòng tham vấn thì con anh đã tự tìm đến đặt vấn đề và nhờ cô giáo nói chuyện với bố. Cậu bé từng có những phản ứng không kiềm chế được cảm xúc của bản thân, giao tiếp kém nhưng sau khi được tham vấn thì hiện tại, con trai đã thay đổi nhiều hơn, vui vẻ dễ gần và không còn thu mình như trước, con đã tham gia các trại hè và trong gia đình có nhiều tiếng cười hơn.
Trường Marie Curie phối hợp với Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (TƯ Hội LHPNVN) xây dựng mô hình phòng Tham vấn học đường. Nơi đây có các chuyên gia tâm lý được đào tạo chuyên môn và nhiều kinh nghiệm, hỗ trợ can thiệp các khó khăn để các con hiểu mình hơn. Đối tượng tham gia tham vấn là học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 của trường Marie Curie. |