pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha mẹ dạy cho con tính cách này thì không khác gì đang làm hại tương lai con
Ảnh minh họa
Tiết kiệm là một đức tính tốt, cần được cha mẹ dạy cho con cái. Tuy nhiên, nhiều người lại hiểu sai ý nghĩa thực sự của việc tiết kiệm. Họ biến tiết kiệm thành tính toán chi li, hám rẻ, chỉ biết đến cái lợi trước mắt của bản thân. Một khi trẻ học được tính cách này từ cha mẹ thì cuộc sống tương lai, các mối quan hệ cá nhân sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Có một câu chuyện như sau: Bà mẹ nọ dẫn con trai đi công viên nước chơi. Dù con đã quá tuổi nhưng chị ta vẫn cãi cố để được miễn phí 1 vé vào cửa. Thậm chí còn cấu vào tay con để con khóc um xùm lấy sự thương cảm.
Hay một lần khác khi đi siêu thị, thấy có hãng mỳ gói tặng quà đính kèm buộc vào sản phẩm, chị ta liền tháo ra buộc vào những món đồ mình mua. Khi con hỏi, người mẹ này phẩy tay bảo: "Dù sao cũng là quà. Nếu siêu thị bắt trả lại thì trả, không thì cứ lấy". Cậu con trai nghe mẹ nói xong, ngơ ngẩn một lúc rồi gật đầu.
Không chỉ "tiết kiệm" về tiền bạc, vật chất, bà mẹ này còn "đi tắt đón đầu" trong những vấn đề khác. Chẳng hạn thấy đèn đỏ nhưng không có công an đứng giám sát, chị liền kéo tay con đi qua đường luôn cho nhanh. Hoặc ở một số đoạn đường, chị dạy con trèo qua rào chắn để đi. Hành động này không chỉ vi phạm luật giao thông mà còn gây nguy hiểm cho bản thân.
Theo các chuyên gia giáo dục, đây là kiểu dạy con "rẻ tiền", khiến tương lai con gặp nhiều rủi ro. Bởi vì các nguyên do sau:
- Trẻ sẽ khó tìm được những người bạn tốt
Những đứa trẻ hám lợi, chỉ biết vun vào bản thân khi trưởng thành sẽ khó có được bạn bè thực sự. Bởi trong bất kỳ mối quan hệ nào, trẻ cũng sẽ chỉ nhìn vào lợi ích, thậm chí lợi dụng bạn mình để lấy về những lợi lộc nhỏ. Khi không có nhiều bạn bè, trẻ cũng không có nhiều kỹ năng xã hội, khả năng giao tiếp, tương tác cũng sẽ kém hơn.
- Trẻ dễ biến từ tham lợi nhỏ thành tham lợi lớn
Khi trẻ còn nhỏ, chúng không có ý thức về quyền sở hữu. Lúc này, trẻ dễ lấy đồ theo bản năng và không biết cách chia sẻ. Nhưng một khi có ý thức về quyền sở hữu, trẻ lại cố tình chiếm đoạt đồ của người khác, tham lam cái lợi trước mắt. Một đứa trẻ như vậy sẽ khó cưỡng lại cám dỗ. Nếu cha mẹ không uốn nắn quyết liệt thì trẻ dễ trở thành người "thuở nhỏ trộm kim, lớn lên trộm vàng". Đến lúc đó, bi kịch xảy ra có thể khiến cha mẹ không ngờ được.
- Khi trưởng thành, khó thăng tiến trong công việc
Một số sinh viên đại học mới ra trường, chưa nắm vững được kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp nhưng khi thấy nhà tuyển dụng khác đề nghị mức lương cao hơn một chút liền vội vàng nhảy việc.
Kết quả là ở chỗ làm mới, vì kiến thức không vững nên họ khiến cấp trên không hài lòng, sa thải sau 2 tháng thử việc. Tuy nhiên những sinh viên này lại không chịu mài giũa kỹ năng làm việc mà liên tục nhảy những công việc mới. Kết quả là chỗ nào cũng không thể gắn bó lâu dài. Vài năm sau, khi những người cùng trang lứa đã trở thành trưởng phòng thì họ vẫn đang luẩn quẩn tìm hướng đi cho mình. Âu cũng bởi quá tham cái lợi trước mắt.
Nhà văn nổi tiếng người Mỹ Jenny Allim từng nói: "Con cái có khuyết điểm không đáng sợ. Điều đáng sợ là cha mẹ, những người định hướng cuộc đời con cái, thiếu những quan niệm và phương pháp giáo dục gia đình đúng đắn".
Cha mẹ thông minh cần dạy con cái tính tiết kiệm một cách đúng đắn. Đừng tham những cái lợi nhỏ mà khiến con cái khi trưởng thành mất cái lợi to. Muốn con trưởng thành đúng hướng, cha mẹ cần làm gương cho con. Hãy kiềm chế hành vi của bản thân và luôn chú ý đến lời nói, hành vi của mình trước mặt con cái. Nếu cha mẹ thực hiện được điều này, con cái sẽ tự nhiên học theo và có được những đức tính tốt đẹp.