Chị Điệp vốn là học trò của anh Thảo. Hồi đó mê thầy vì thấy thầy dạy hay và hấp dẫn. Vì thế, sau này Điệp đã quyết định từ bỏ công việc đang ổn định để theo anh Thảo đến một nơi hoàn toàn xa lạ. Họ làm đám cưới vào năm 1999.
Thời gian sinh Nhật Nam là lúc cặp vợ chồng này đang sống tại Nhật Bản. Có thể đây chính là lý do để họ đặt tên cậu bé là tên 2 quốc gia ghép lại. Vì chưa có kinh nghiệm nuôi dạy con, lại ở xa quê hương nên “người thầy” duy nhất mà anh chị tin cậy là sách vở. Hàng ngày Điệp đọc tất cả các sách có được về nuôi dạy con, về tâm lý con trẻ, sau đó ghi ra và cùng trò chuyện với chồng. Hai vợ chồng thảo luận với nhau xem mình sẽ thực hiện những gì, sẽ thống nhất với nhau những quan điểm nào? Có chuyện gì không hài lòng hoặc muốn thực hiện theo cách khác thì nói luôn để cùng sửa chữa hoặc thay đổi. Dần dần, họ đã tìm được tiếng nói chung.
Những điều gần như là quy tắc bất di bất dịch, được cặp đôi này tuân thủ triệt để, đó là: Không nói nặng lời trước mặt con/Không dùng đòn roi với con/Bố mẹ cố gắng thể hiện tình cảm yêu thương con càng nhiều càng tốt và bản thân bố mẹ cũng thể hiện sự yêu thương, chăm sóc nhau để con cảm thấy ấm áp, tin cậy.
Cả nhà cùng đi du lịch |
2- Với chị Điệp, anh Thảo là người chân thành, mộc mạc, không thích sự cầu kỳ, hoa lá nhưng cũng rất lãng mạn. Chị thích Thảo nhất là ở đức tính sống hết mình cho những người thân. “Tôi nghĩ, người đàn ông trước hết phải biết yêu gia đình của họ thì mới hy vọng họ có tình cảm cho những người khác được”. Tuy nhiên, cũng có điều chị Điệp thấy không thích ở anh Thảo tính nóng nảy. May mà “bây giờ thì đỡ hơn ngày xưa nhiều rồi, chắc do nhiều phen bị vợ giận”, chị Điệp vui vẻ kể.
Là cha mẹ của một cậu bé có rất nhiều năng khiếu, đặc biệt là môn tiếng Anh và khả năng thuyết trình, được nhiều người “chú ý”, nhưng anh Thảo và chị Điệp chia sẻ rằng họ gần như không gặp áp lực nào. Chị nói: “Nhật Nam hồn nhiên lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ, của mọi người. Những gì Nam đạt được là do sự cố gắng, nỗ lực của bản thân Nam cộng với sự khích lệ, cổ vũ của bố mẹ chứ không phải do một “khoảnh khắc lóe sáng của trí tuệ”, cho nên chúng tôi nghĩ sẽ bền vững. Tôi và ông xã cũng không đặt kỳ vọng quá cao vào con. Chỉ cần Nam lớn lên biết yêu thương mọi người, biết yêu bản thân và yêu cuộc sống, thế là đủ cho hạnh phúc”.
Khoảnh khắc người mẹ này vui nhất, chính là khi nhìn thấy nhiều bạn cùng trang lứa với Nam hoặc các em nhỏ có động lực học tiếng Anh hơn khi xem những clip của Nam.
3- Sau khi sinh Nhật Nam, chị Điệp không đi làm, chỉ ở nhà chăm sóc con trai. Thời gian biểu hàng ngày là lịch sinh hoạt của 2 mẹ con. Chị Điệp luôn cố gắng thực hiện mọi chuyện đúng theo thời gian biểu đã đặt ra, ví dụ giờ đi dạo, giờ đọc sách cho con, giờ nói chuyện theo chủ đề, giờ nghe nhạc. Tất cả đều tuân thủ một cách khoa học và chính xác với mong muốn tạo cho Nhật Nam một nhịp độ sinh học chuẩn mực.
Sau này khi Nam lớn hơn, các hoạt động bắt đầu thay đổi phụ thuộc vào việc học của cậu bé, nhưng chị Điệp vẫn luôn có những khoảng thời gian “tụ tập”: cả nhà cùng nhau xem tivi, nấu bếp, cùng đọc sách… Mục đích là tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa những người trong gia đình càng nhiều càng tốt.
Hiện tại, Nhật Nam du học xa nhà, anh Thảo và chị Điệp cho biết vẫn cố gắng giữ nhịp sống bình thường để con trai có thể yên tâm học tập. “Khi Nam đi học xa, chúng tôi hình dung ra mình sẽ phải động viên con thế nào để Nam đỡ cảm giác hụt hẫng vì không có bố mẹ ở bên. Nam là cậu bé sống rất tình cảm, chúng tôi lo con sẽ thấy trống vắng, cô đơn. Nhưng trái với dự tính, Nam lại chính là người động viên, tiếp sức cho bố mẹ. Con luôn vui vẻ, trêu cho bố mẹ bật cười mỗi khi gọi điện về nhà. Nam cũng thường xuyên kể tỉ mỉ cho bố mẹ về cuộc sống ở bên đó. Mỗi ngày qua là một điều mới mẻ mà Nam thu nhận được từ trường học, từ gia đình con đang sống, từ những người xung quanh và cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Nam cũng được đắm chìm trong những vấn đề khoa học đang theo đuổi, được đọc nhiều sách hay và mới. Vì Nam vui nên cũng truyền cho bố mẹ niềm vui ấy một cách hết sức tự nhiên, những vấn đề về khoảng cách địa lý trở nên nhỏ bé trước niềm vui của con trai”, chị Điệp cho biết.
Những khi rảnh rỗi, anh Thảo và chị Điệp lại viết các câu chuyện thể hiện tình yêu thương nhau lên trang cá nhân. Anh Thảo viết những chuyện ngày chị Điệp mới về làm dâu, lóng ngóng vụng về thế nào, với giọng điệu vô cùng âu yếm; còn chị Điệp chia sẻ bí quyết cùng học tiếng Việt với cậu con trai nổi tiếng của mình. Từng câu từng chữ đều cho thấy những tình yêu thương vô bờ mà họ dành cho nhau.
Hỏi chị Điệp có tính sinh em cho Nhật Nam nữa không? Chị tâm sự: “Chắc dừng lại ở một Nhật Nam thôi”.
Đừng ngại bày tỏ tình yêu thương - Anh Thảo thường “gửi” tình yêu thương vợ thông qua các câu chuyện viết trên mạng xã hội. Tình cảm của anh chị khiến rất nhiều bạn bè xúc động. - Bố mẹ tôn trọng sở thích của nhau và tôn trọng sở thích của Nhật Nam một cách tối đa. Do cách phân bố thời gian khoa học, giờ nào việc nấy nên Nam không cần mất nhiều thời gian mà vẫn có thể chiếm lĩnh được lượng kiến thức lớn. - Bố mẹ Nam luôn động viên và khuyến khích các sở thích của con trai như chơi thể thao và chụp hình. - Từ ngày đi học xa nhà, Nam có sở thích làm thơ và thường tặng bố. Tuy thơ viết còn vụng về, nhưng đọc xong, cả bố và mẹ đều bật khóc. |