pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha mẹ hãy cố gắng giúp con tự kỷ sớm hòa nhập và trưởng thành

Khách hàng có cảm xúc đặc biệt khi có dịp trải nghiệm Mô hình kinh tế cho người tự kỷ Việt Nam
- Là người sáng lập và 10 năm theo đuổi mô hình kinh tế cho người tự kỷ - VAPs, theo anh, trẻ tự kỷ từ 15 tuổi trở lên cần có điều kiện, kỹ năng gì để theo học nghề, hướng nghiệp?
10 năm qua ngay khi chúng tôi bắt tay vào xây dựng mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ VAPs, chúng tôi đã thấy rõ khó khăn của trẻ tự kỷ khi đến tuổi vị thành niên cũng như khi tham gia vào lao động. Chúng tôi cũng hiểu tâm lý của phụ huynh khi con tới độ tuổi "dở hơi" này. Thấu hiểu điều này, chúng tôi đã xây dựng mô hình kinh tế dành riêng cho trẻ tự kỷ, với mong muốn hỗ trợ, hướng nghiệp cho trẻ có thể hoà nhập tốt hơn vào cộng đồng xã hội.
Thực tế, khi trẻ tự kỷ ở tuổi vị thành niên tham gia vào môi trường lao động sẽ khiếm khuyết rất nhiều thứ. Ngay vấn đề ngôn ngữ trong giao tiếp ở gia đình trẻ đã gặp khó khăn, chưa nói đến giao tiếp với xã hội hay với khách hàng. Đặc biệt, những trẻ này có nhiều hành vi khi có tương tác với khách hàng, hoặc gặp vấn đề về giới khi tiếp xúc với khách hàng khác giới. Hơn nữa, kiến thức học văn hoá ở các cấp học từ mầm non, cấp 1, cấp 2, cấp 3 của các con còn thiếu nhiều so với trẻ bình thường. Vì vậy, để doanh nghiệp tuyển dụng hay nhận các bạn này vào làm, nếu so với người lao động bình thường, các bạn này thiếu rất nhiều yếu tố như chứng chỉ, văn bằng, hoặc kiến thức cơ bản, đặc biệt là kỹ năng sống để tham gia vào xã hội, phục vụ khách hàng.
Chúng tôi không thể đòi hỏi trẻ tự kỷ phải hoàn hảo, cũng không đòi hỏi khách hàng phải thấu hiểu trẻ. Chúng tôi "có duyên" với trẻ tự kỷ nào, sẽ nhận về và đào tạo hết mình. Khi trẻ gặp khó về giao tiếp, chúng tôi tạo điều kiện để trẻ được giao tiếp nhiều hơn. Trẻ nào có hành vi khác biệt, chúng tôi tìm cách giúp trẻ điều chỉnh hành vi mang tính tích cực hoặc dạy tính toán, con số, chữ viết, hay vấn đề giao tiếp với khách hàng khác giới. Để làm sao, các vấn đề "khác biệt" trong quá khứ sẽ được bổ trợ, bồi dưỡng, giúp trẻ tham gia vào xã hội dễ dàng hơn.

Mô hình kinh tế cho người tự kỷ Việt Nam sẽ căn cứ vào đặc điểm riêng của từng trẻ tự kỷ để hỗ trợ, đào tạo hướng nghiệp
Căn cứ vào đặc điểm riêng của từng trẻ tự kỷ để hỗ trợ, đào tạo
- Những trẻ tự kỷ ở tuổi vị thành niên, khi đến VAPs sẽ được hỗ trợ những gì, thưa anh?
Khi trẻ tự kỷ tham gia vào mô hình kinh tế dành riêng cho mình, chúng tôi căn cứ vào đặc điểm riêng của từng trẻ, căn cứ vào mong muốn hay sự kỳ vọng của gia đình, từ đó xây dựng chương trình bổ trợ, đào tạo để các bạn từng bước tham gia vào mô hình của công ty. Ví như, với trẻ hạn chế ngôn ngữ, chúng tôi yêu cầu trẻ giao tiếp nhiều hơn, tương tác với các khách hàng hiểu các bạn, khích lệ và tạo điều kiện để các bạn này bật âm nhuần nhuyễn, tự tin hơn.
Có trẻ gặp tâm lý trong quá khứ, ví như bị bắt nạt khi còn đi học, chúng tôi sẽ gợi mở và lắng nghe chia sẻ của trẻ. Chúng tôi đặt mình vào các trẻ, rồi lại đặt mình vào người bắt nạt các trẻ để phân tích, giải thích. Làm sao để trẻ hiểu được và dễ tha thứ hơn, dễ chấp nhận những sự việc diễn ra trong xã hội. Để các trẻ hiểu rằng, xung quanh ta có rất nhiều người không hiểu ta, nhưng chúng ta không thể bắt mọi người đều phải hiểu mình. Nhưng ở gia đình trẻ đã luôn có bố mẹ, người thân hiểu và yêu thương, ở VAPs có chúng tôi luôn thấu hiểu trẻ là đủ rồi.
Từ việc hỗ trợ các trẻ học được sự chấp nhận, học cách lắng nghe, sau đó chúng tôi sẽ đào tạo giúp các trẻ tương tác với xã hội rộng hơn. Có những trẻ không biết chữ, biết số, thì sẽ có các bạn tự kỷ khác biết chữ dạy lại chữ cho trẻ. Chúng tôi khuyến khích các bạn có cùng tần số thêm thấu hiểu nhau, thương yêu, chia sẻ, dạy bảo cho nhau cùng tiến bộ.

Anh Nguyễn Đức Trung, Giám đốc điều hành mô hình kinh tế cho người tự kỷ Việt Nam
- Ở lứa tuổi vị thành niên, khi bắt đầu chuẩn bị hành trang tách ra khỏi môi trường gia đình, các em tự kỷ thường gặp khó khăn gì?
Trẻ tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn khi ra khỏi môi trường gia đình. Vì từ nhỏ trẻ không theo kịp chương trình giáo dục phổ thông bình thường, nên hạn chế rất nhiều về kiến thức, đồng nghĩa với việc bị hạn chế nhiều về kỹ năng sống cũng như kiến thức xã hội xung quanh. Từ đó, sẽ gặp khó khi kết nối với môi trường xã hội và khi tiếp nhận cái mới lạ bên ngoài gia đình.
Nhiều trẻ gặp khó khi cần diễn đạt suy nghĩ của mình, khi mà những người xung quanh không hiểu trẻ. Trong khi đó, đặc điểm của trẻ tự kỷ thường rất thuần khiết, rất dễ thương, bình an và trong sáng. Chính vì vậy, những trẻ này dễ bị tổn thương khi xung quanh ta có rất nhiều thứ thay đổi. Đến 1 độ tuổi nào đó, trẻ sẽ phải tự lập, trong khi các bậc phụ huynh lại chưa tìm được lời giải cho vấn đề của chính con mình.
Vì ngay từ môi trường gia đình, trẻ tự kỷ đang sống cùng bố mẹ, người thân đã gặp khó khăn trong giao tiếp, sinh hoạt rồi. Trong khi, với trẻ em bình thường ở độ tuổi vị thành niên, để tự lập đòi hỏi ở trẻ rất nhiều yếu tố, từ kiến thức, kỹ năng, giao tiếp, lao động, học nghề, hoà nhập…. mà trẻ tự kỷ lại bị hạn chế.
Thực tế, tôi thấy nhiều cha mẹ có con tự kỷ lại đòi hỏi và kỳ vọng con mình phải tự lập từ sớm như các trẻ cùng trang lứa, theo tôi đây là vấn đề khá xa vời, không thực tế. Những trẻ này cần dựa vào gia đình với thời gian dài hơn, hoặc cần sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội trong thời gian dài hơi, được ưu ái nhiều hơn nữa.
Chính cá nhân tôi, với 10 năm làm quản lý, đào tạo mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ cũng rất trăn trở vấn đề này. Mỗi ngày, mỗi việc tôi làm, đều đi tìm câu trả lời hiệu quả nhất, để mong giúp đỡ các gia đình có con tự kỷ có thể tự lập được trong thời gian sớm hơn, nhanh hơn so với hiện nay.
Bố mẹ là cầu nối giúp con tự kỷ tự tin hòa nhập
- Theo anh, khi trẻ tự kỷ không thể tiếp tục học cao hơn, cha mẹ cần hỗ trợ những gì để khích lệ con có động lực phát triển, an tâm học nghề và hoà nhập?
Trong thời gian qua, nhiều gia đình đã hỏi tôi như vậy. Tôi thường nói với các cha mẹ rằng, khi chúng ta còn trẻ, vẫn có thói quen tích luỹ tiền của để khi về già sẽ hỗ trợ con. Nhưng tôi vẫn khuyến khích phụ huynh rằng, khi chúng ta còn khả năng lao động, còn sức khoẻ, vẫn còn nhiều cơ hội để quan tâm đến con, vậy hãy cho con nhiều cơ hội đến với các câu lạc bộ, học bơi, học âm nhạc, nghệ thuật, thể thao, hay nghề nào phù hợp với con. Thay vì cứ để con ở nhà, hay trông chờ xã hội giúp đỡ.
Mỗi khi bố mẹ, người thân ra ngoài hay đi giao lưu xã hội, hãy cố gắng đưa con tự kỷ đi cùng. Đơn giản như cho con đi đá bóng, giao lưu, xem ca hát, đi các hoạt động ngoài xã hội để con được giao lưu, nhận biết mọi hoạt động xung quanh càng sớm càng tốt. Như vậy, sẽ giúp thế giới quan của các con mở rộng hơn. Khi các con gặp khó khăn tương tác với bên ngoài, đã có bố mẹ, người thân hướng dẫn, dìu dắt. Khi xung quanh con, bên ngoài xã hội chưa hiểu con, các bạn cũng bị hạn chế khi giao tiếp, thiếu kỹ năng tương tác, xử lý vấn đề với thế giới xung quanh, chính bố mẹ là cầu nối tốt nhất giúp con tự kỷ tự tin hoà nhập.

Các bậc cha mẹ hãy cố gắng dành thời gian giúp các con sớm hoà mình vào xã hội
Với mỗi trẻ em tự kỷ, chính bố mẹ, người thân là chỗ dựa an toàn, là nơi tin tưởng nhất, hiểu con em mình nhất. Con tự kỷ trưởng thành, tự tin hoà nhập nhanh hay chậm phụ thuộc vào chính bố mẹ, gia đình của con, mà không phải ai khác.
Ở bất cứ gia đình nào, ngay từ thời điểm này, các bậc cha mẹ hãy cố gắng dành thời gian giúp các con sớm hoà mình vào xã hội, để các con sớm trưởng thành. Thay vì để khi cha mẹ già yếu, mới lo lắng không có người dìu dắt, hỗ trợ các con.
- Là người tâm huyết và sẵn sàng đồng hành cùng rất nhiều gia đình có con tự kỷ, anh có lời gì muốn nhắn nhủ các bậc cha mẹ có con tự kỷ không?
Tôi vẫn nói với các cha mẹ, phụ huynh khi đưa con đến với mô hình VAPs, là khi con tự kỷ bước vào độ tuổi vị thành niên, nghĩa là những giai đoạn khó khăn, cùng cực nhất, cha mẹ đã cùng con đi qua rồi. Chúng ta đã từng bước hỗ trợ dìu dắt con "gỡ khó" từ mối quan hệ trong gia đình tới bên ngoài xã hội, từ những người không hiểu con, sau đó có nhiều người đồng hành trong xã hội hiện nay.
Tôi cũng chứng kiến nhiều năm những phụ huynh đưa, đón con đến VAPs, dù nắng, dù mưa vẫn bền bỉ đưa con đến mỗi ngày. Có những phụ huynh đã vượt qua được 15, 17 năm hay 20 năm qua, thì bây giờ, mọi thử thách chỉ còn tính là thói quen trong cuộc sống thôi.
Điều đó để nói rằng, các phụ huynh có con tự kỷ từng gặp rất nhiều khó khăn khi có đứa con đặc biệt trong nhà. Giờ đây, phía trước mỗi gia đình có con tự kỷ ở độ tuổi vị thành niên chỉ còn là ý chí, là kỷ luật, là sự vươn lên hướng đến điều tốt đẹp nhất trong tương lai.
Tôi mong các phụ huynh hãy vững tin, tiếp tục đồng hành cùng mô hình kinh tế cho người tự kỷ, tạo tiền đề, là hy vọng, là cơ hội hoà nhập tốt của nhiều gia đình có con tự kỷ ở Việt Nam. Cũng chính là giúp các giáo viên, trung tâm hướng nghiệp và những tổ chức muốn giúp trẻ tự kỷ có niềm tin vững chắc đồng hành cùng các bạn tự kỷ ở nhiều vùng miền hoà nhập vào cộng đồng thuận lợi hơn, vững vàng hơn.
- Xin cảm ơn anh!