Trước đó, chiều 2/7/2017, tại thôn Sở Hạ, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội đã xảy ra vụ tại nạn đuối nước rất thương tâm, khiến 4 người tử vong, gồm cháu A. sinh 2004, cháu V. sinh 2005 và hai người lớn. Ngoài ra, có cháu H. (sinh 2004) được cấp cứu tại BV Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch và sau đó cũng tử vong ngày 8/7.
Điều đáng nói, theo người dân địa phương, cái ao làng nằm trong khuôn viên nhà thờ, nơi xảy ra vụ đuối nước này không sâu, trong khi hai người nhảy xuống cứu các cháu đều là thanh niên khỏe mạnh.
Trước đó, cũng trên địa bàn Hà Nội, ngày 26/6/2017, đã xảy ra một vụ học sinh bị đuối nước khá hy hữu: Cháu Nguyễn H.G, học sinh lớp 5A6 trường Tiểu học Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội trong khi tham gia lớp học bơi theo chương trình phổ cập bơi và phòng chống đuối nước của quận tại trường thì đột nhiên bị ngất, ngay sau đó cháu được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Đây là thực trạng rất đau lòng, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa nhằm giảm thiểu con số tử vong bằng cách giúp cho trẻ học bơi. Nói đến trẻ em bị đuối nước, nhiều người thường nghĩ đến trẻ bị đuối nước ở ao hồ, sông, suối, biển mà quên rằng trẻ cũng có thể đuối nước ngay trong nhà mình.
Đã có không ít trường hợp trẻ bị đuối nước dẫn đến tử vong mà nguyên nhân lại do vật dụng trong nhà như bể cá cảnh, xô, chậu, chum vại, thùng nước trong bếp, và bồn cầu, bồn tắm trong phòng vệ sinh. Xung quanh nhà có khi cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến trẻ bị đuối nước (cả người lớn cũng có thể gặp phải) như miệng cống thoát nước, hố ga mất nắp.
Các bậc cha mẹ cần phải coi việc tạo điều kiện để cho con mình học bơi, biết bơi, phòng chống đuối nước để hoàn toàn tự tin mỗi khi phải tiếp cận với môi trường ao hồ, sông suối, biển cả... là nhu cầu thiết thân, không thể lơ là.
Vì, ngay trong khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông, dù muốn hay không, trẻ em cũng cần được tham gia vào các chương trình ngoại khóa, đi dã ngoại trải nghiệm thực tế, hay đi tham quan, du lịch cùng bố mẹ.
Lớn lên, nếu học đại học hay học nghề, sinh viên cũng phải tham gia các hoạt động tập thể, tham gia chương trình “Thanh niên tình nguyện” mà có lúc các em buộc phải băng rừng, lội suối, vượt sông. Những năm gần đây, đã có nữ sinh viên trong khi tham gia chương trình tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” khi qua suối không may gặp nước lũ và bị đuối nước. Nói đến cho trẻ học bơi, ai cũng nghĩ là phải cần có bể bơi, cần có thầy có chuyên môn dạy.
Tuy nhiên, TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm E- Bơi, chuyên gia dạy phòng chống đuối nước, bơi lội và kỹ năng sống cho trẻ em, người đã có gần mười năm kiên trì nghiên cứu phương pháp bơi tự cứu và đã nâng lên thành phương pháp “Bơi tự cứu Dịch cân kinh”, một kiểu bơi phòng chống đuối nước dành cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên khẳng định: “Cha mẹ hoàn toàn có thể làm người thầy giáo đầu tiên dạy cho con mình học bơi. Vì những bài học bơi đầu tiên chỉ cần học ngay tại nhà, học bơi trước hết tập cách làm chủ việc hít, thở trong nước thì chỉ cần tập với chậu nước, thậm chí là với cốc nước”.
Từ năm 2009 đến nay, Trung tâm E-Bơi đã nỗ lực nghiên cứu và hoàn thiện kiểu bơi tự cứu, kết quả là phương pháp “Bơi tự cứu Dịch cân kinh” dành cho đối tượng từ 5 tuổi trở lên ra đời với các ưu điểm vượt trội so với cách dạy bơi truyền thống.
Hè 2015, E-Bơi tổ chức 20 lớp “Hướng dẫn bố mẹ tự dạy con tuổi mẫu giáo tập bơi” tại Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa. Tháng 6/2015, E-Bơi đã giúp Huyện Đoàn Quỳ Hợp, Nghệ An và tháng 5/ 2016 giúp cho Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức dạy bơi tự cứu cho thanh thiếu niên trên địa bàn.
Vì lý do nào đó chưa xuống nước được thì người tập cũng biết cách kiểm soát hơi thở, đủ bình tĩnh ứng phó với tai nạn sông nước. Một ưu điểm nữa là bố mẹ, người lớn dù chưa biết bơi vẫn có thể tự tập và dạy trẻ nhỏ bơi sau khi đọc kỹ cuốn sách “Bơi tự cứu dịch cân kinh”.
Dù cha mẹ, anh chị trong nhà chưa biết bơi thì vẫn có thể làm “ thầy dạy bơi” cho trẻ em. Có một số trẻ em vốn “sợ nước”, nên rất cần sự động viên, khích lệ của người lớn để các em không ngại xuống nước.
Theo như hướng dẫn trong cuốn sách “Bơi tự cứu Dịch cân kinh”, các em sẽ học cách hít thở trong nước với những cái cốc, ca nhựa, chậu nước, vòi sen nhà tắm, rồi tập bơi trong bồn tắm, bể bơi mi ni. Các trường học có thể cho tập các động tác trên cạn trước rồi cho các em xuống nước với bể Plastic (thể tích từ vài m3 nước đến 30m3 nước là được).
Theo tính toán và thực nghiệm của E-Bơi, mỗi HS chỉ cần 1-1,5m2 mặt nước với chiều sâu nước khoảng 1m nước là đã tập rất hiệu quả”.