Cả năm lớp 12, nhất là mấy tháng gần đây, Trần Bảo Minh (lớp 12, Mỹ Lộc, Nam Định) cảm thấy cuộc sống của mình căng như dây đàn. Là cháu đầu của cả dòng họ nên không chỉ bố mẹ mà cả nhà nội, nhà ngoại đều đặt kỳ vọng vào Minh. Lần nào gặp mặt, Minh cũng nghe đi nghe lại câu nói: Đầu xuôi đuôi lọt, cháu phải đỗ trường ĐH top đầu để làm gương cho các em. Hàng chục em đằng sau noi theo, kết quả của cháu là quan trọng lắm đấy.
Minh sợ nhất là những sự kiện hiếu hỉ, giỗ chạp, gặp mặt… trong gia đình. Bởi, cả họ ùa vào hỏi thăm. Ai cũng tỏ ra rất quan tâm, ai cũng hỏi han tình hình học tập, ai cũng động viên cố gắng. Có bác còn cho tiền và không quên nhắn nhủ: Nhớ phải đỗ nhé! Học trường top đầu sau này mới có tương lai tốt!
Sau mỗi lần như thế, Minh lo sốt vó. Em cảm nhận gánh nặng học tập trên vai quá nặng nề. Thế nên, có nhiều dịp, Minh lấy cớ bận học để trốn gặp mặt mọi người. Thấy con trai “cày bài” cả ngày, cả đêm với thời gian biểu kín đặc chữ, chị Thùy Mai (mẹ Minh) mừng rơn. Bữa ăn nào, chị cũng làm cho con các món ngon và không quên nhắc đi nhắc lại: Cố ăn vào để lấy sức mà học, sắp thi rồi. Con là niềm hy vọng của gia đình mình đấy!
Giống như chị Mai, nhiều bố mẹ hàng ngày nhắc đi nhắc lại chuyện ôn luyện, kỳ thi… mà không biết rằng chính những điều đó khiến con trẻ rất áp lực. Theo TS Vũ Thu Hương, trong thời điểm căng thẳng, nước rút này, các cha mẹ hãy để mọi hoạt động của con như những ngày bình thường và đừng nhắc nhiều đến chữ học. Cha mẹ cũng không nên có những hành động ưu ái, khác thường dành con trước kỳ thi. Bởi như thế con càng có tâm lý căng thẳng.
Đặc biệt, để giảm áp lực thi cử với con, TS Vũ Thu Hương tư vấn cho các cha mẹ lời khuyên khá ngược đời. Đó là cha mẹ đừng nghĩ con mình đỗ mà hãy nghĩ là con trượt. Chuẩn bị tâm lý cho tất cả tình huống dù xấu hay tốt để giảm căng thẳng cho cả bố mẹ và con. Nếu con đỗ thì bố mẹ rất vui, nếu con trượt thì bố mẹ không bị sốc và đã có phương án 2 cho con. Có như vậy con cũng cảm thấy mình không phải là “tội đồ” với bố mẹ.
Ngoài ra, theo TS Vũ Thu Hương, thời gian này, bố mẹ không nhắc thì con cũng cuống cuồng lo cho việc học của mình. Tuy nhiên, cả 1 ngày chỉ học và học thì việc học sẽ không hiệu quả. Chính vì thế, bố mẹ cần động viên con chơi thể thao, nghe nhạc, giải trí lành mạnh thì việc học sau đó sẽ tốt hơn rất nhiều.
Còn bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những năm gần đây, vào mùa thi cử, số lượng người trẻ vì áp lực học hành đến khám và điều trị bệnh rối loạn cảm xúc tăng nhanh. Để giảm áp lực mùa thi cho con trẻ, theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, cha mẹ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào trẻ, nên để trẻ tự làm những điều trẻ cho là thích hợp với sở thích, đam mê. Cha mẹ cũng phải nhìn nhận đúng năng lực và sở trường của con em mình, từ đó động viên, khuyến khích các em, tránh tạo áp lực căng thẳng, kỳ vọng quá mức với các em.