Cha mẹ hoang mang khi con yêu 'kiểu mới'

02/12/2016 - 10:06
Trúc đang học lớp 12, mới quen 1 gã trai qua mạng. "Lai lịch tông tích”, nhà cửa, công ăn việc làm, nghề nghiệp của “hắn ta” thế nào, Trúc chỉ mới biết loáng thoáng. Tuy nhiên, cái gương mặt điển trai và những lời mùi mẫn thì Trúc nhớ như in.

Tối hôm đó, vợ chồng chị An sang nhà tôi chơi. Đến thăm nhau, cớ sao gương mặt của họ lại buồn rười rượi thế kia? Sau khi an tọa, cả 2 mới thổ lộ câu chuyện liên quan đến Trúc - con gái họ, đang học lớp 12.

Chuyện là dạo này, cháu có biểu hiện… đang yêu. Tôi bảo: “Yêu ở tuổi đó là quá sớm, tuy nhiên vẫn có cách điều chỉnh cho cháu. Đừng lo lắng thái quá”. Chị An ngắt lời: “Suốt ngày nó chát chít trên mạng rồi “bập” vào thằng nào đó. Ngày hôm kia, nó xin tôi một khoản tiền và úp úp mở mở là sử dụng cho một việc quan trọng nhất trong đời. Tôi ngờ ngợ nên gặng hỏi, dỗ dành mãi nhưng con vẫn không hé lộ dùng tiền vào việc gì. Mãi hôm qua, nó mới cho biết là để giúp đỡ “người yêu” đang trong cơn hoạn nạn. Tôi nghe mà hoảng quá!”.

Chị An hoảng là phải rồi, bởi Trúc chỉ mới quen qua mạng, “lai lịch tông tích”, nhà cửa, công ăn việc làm, nghề nghiệp của “hắn ta” thế nào chỉ mới biết loáng thoáng. Tuy nhiên, cái gương mặt điển trai và những lời “tỏ tình” mùi mẫn thì cháu nhớ như in. Trước tình huống này, vợ chồng chị An hỏi tôi nên xử lý ra sao, nếu không khéo thì sự việc sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Đã có trường hợp bố mẹ cương quyết cấm đoán, con bèn xách vali đi theo “tiếng gọi của tình yêu”. Khuyên nhủ thế nào để tự con có nhận thức nhìn nhận ra đúng - sai, bản chất của mối quan hệ đang diễn ra?

  Đó có phải tình yêu? Hay thứ “cạm bẫy” mà con chưa thể lường hết? (Ảnh minh họa)

***

Tôi nhớ “mối tình nồng nàn” của cháu  Y. - con gái chị bạn tôi. Sau khi cả 2 chia tay nhau, cháu mới kể, đại khái, anh chàng “người yêu” chẳng bao giờ chịu đến chơi nhà, muốn gặp gỡ, hẹn hò gì thì cứ lấy… quán xá làm điểm hẹn. “Anh ta nói đến nhà cháu, sợ không được tự nhiên. Ra ngoài quán, chẳng ai biết mặt ai, không gian yên tĩnh thì mới cởi mở tâm tình”. Nói đến đây, cháu cúi mặt xuống, tôi thoáng nhận ra câu nói đã có một “sắc màu” khác. “Thế có bao giờ cháu về nhà của anh ta chưa?”. Y. giật mình: “Dạ chưa một lần nào, dù đã nhiều lần cháu muốn đến chơi nhưng anh ta từ chối bởi bố mẹ khó tính”.

Vậy, mối quan hệ giữa Y. và bạn trai như thế nào? Có thật sự thân thiết hay chỉ là “qua đường”? Tôi không dám kết luận, chỉ biết nguyên nhân chia tay nhau do “người yêu” nhiều lần mượn tiền nhưng quên trả, Y. đòi thì anh ta mỉa mai bằng những câu “nhẹ nhàng”: “Cô xem tiền nặng hơn tình nghĩa. Yêu nhau mà thế à?”. Rồi sau đó, anh ta… mất hút. Y. gọi điện thoại thì thấy anh ta khóa máy.

***

Nhiều người đồng tình rằng, một trong những biểu hiện thành thật của tình yêu là cả 2 thể hiện “quang minh chính đại” trước bạn bè gia đình, người thân, chứ không phải diễn ra lén lút, chỉ “người trong cuộc” mới biết. Thì đó, đã ngoài 30 nhưng cậu Tuấn - em kết nghĩa của tôi - vẫn “nhẹ dạ” lắm. Tuấn và Liên “yêu nhau” đã lâu nhưng chưa bao giờ cậu có cơ hội đi chơi chung với bạn bè của Liên, kể cả việc béng mảng đến thăm nhà nàng. Tuấn không nghĩ ngợi lăn tăn gì, chỉ tin vào những lời thì thầm mật ngọt lúc cạnh nhau. “Đùng một cái”, Tuấn phát hiện ra rằng, mình chỉ là kẻ “sơ cua” bởi Liên đang có “người khác”, cậu không thể xuất hiện công khai là thế!

Lại có người thề thốt yêu rất yêu, thương rất thương nhưng khi gia đình “người ta” có chuyện trọng đại gì như ma chay, đám cưới, thì lạ thay, chàng/nàng không được mời đến, thay vào đó là… người khác! Rõ ràng, quan hệ đó không phải là tình yêu. 

 Yêu là chia sẻ cho nhau, sự quan tâm người này cũng là của người kia, chứ không phải tùy vào từng trường hợp mà có sự tính toán “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa” (Ảnh minh họa)

***

Trở lại câu chuyện của nhà chị An. Sau khi trao đổi, thảo luận “trăm phương nghìn kế”, chúng tôi thống nhất “phương án”: Vẫn thỏa mãn yêu cầu của Trúc, bởi nếu không, có thể vì sự thôi thúc mãnh liệt của “tình yêu”, biết đâu cháu sẽ đi mượn ai khác; hoặc bán thứ gì đó trong nhà để có tiền. Tuy nhiên, lúc cháu đến điểm hẹn, cần thuê một thám tử đi theo quan sát ghi nhận lại sự việc.

Vài ngày sau, trước mặt Trúc là những hình ảnh của “người yêu” mà thám tử thu thập được. Thì ra, “hắn ta” đã có vợ, con. Các tấm hình rành rành ấy có sức nặng hơn bất kỳ lời can ngăn, khuyên bảo nào của bố mẹ. Sau “cái đận” ấy, Trúc mới thật sự “mở mắt” và tự giải quyết vấn đề một cách chủ động, ổn thỏa.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm