pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha mẹ làm gì để con vừa phát triển tốt, vừa đảm bảo an toàn?
Bé trai 3 tuổi bị đánh và nhốt trong tủ cấp đông
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiều cha mẹ vì bận rộn công việc mà lơ là trong việc chăm sóc con cái. Cha mẹ cần lưu ý, tuỳ theo sự phát triển của lứa tuổi, khi đứa trẻ có được các kỹ năng nhận diện tình huống nguy hiểm, biết cách ứng xử phù hợp với các tình huống gặp người lạ thì cha mẹ mới để cho con cái tự do khám phá môi trường xung quanh mà không có sự quan sát trực tiếp.
"Với trẻ 3 tuổi, thông thường trẻ phải được chơi trong môi trường an toàn (trong gia đình) hoặc nơi công cộng với sự giám sát (24/24) của một thành viên trong gia đình. Trách nhiệm của người lớn là phải giám sát và bảo vệ những đứa trẻ thật an toàn. Cha mẹ cần dạy con nguyên tắc để giữ an toàn trong môi trường một mình hoặc với người lạ. Cha mẹ cần biết con ở đâu, với ai mọi lúc. Phải quy định và dạy cho trẻ thói quen xin phép cha mẹ trước khi đi bất cứ đâu. Số điện thoại của bố và mẹ phải cho con thuộc để có thể tìm cách liên lạc. Cha mẹ cần chỉ ra những nơi nào an toàn để chơi, những lối đi nào an toàn để đi, một số nguyên tắc ứng xử ở nơi công cộng. Cha mẹ cũng cần dạy trẻ tin vào bản năng của mình, giải thích rằng nếu chúng không cảm thấy thoải mái hãy tránh càng xa càng tốt và tìm cách chạy về với các thành viên gia đình", PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.
Theo TS Vũ Thu Hương (Trung tâm Cá siêu quậy), trẻ 3 tuổi vẫn chưa thể rời khỏi mắt quan sát của người lớn dù trong chốc lát. Việc để một đứa trẻ rời khỏi tầm mắt quá 1 giờ là quá nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn mà con trẻ vẫn được rèn luyện kĩ năng, cha mẹ cần chú ý các vấn đề sau:
1. Dạy trẻ biết tự lập, tự lo thân tốt nhất với các kĩ năng cơ bản như: xúc ăn, đi vệ sinh, rửa tay. Điều này sẽ khiến con chủ động giải quyết vấn đề của mình nếu cha mẹ không ở ngay đó.
2. Dạy con không làm phiền người khác. Điều này rất ít cha mẹ chú ý dạy con nhưng nó không chỉ khiến con rất hư mà con dễ đẩy con đến nguy hiểm. Trẻ vào quán ăn chạy tung tóe có thể bị va vào người phục vụ dẫn đến bị bỏng. Trẻ ra ngoài khóc lóc, đòi hỏi, có thể khiến những kẻ xấu nổi nóng. Có thể khi đó những kẻ xấu cũng không có ý định trước để hại trẻ. Thế nhưng sự khóc lóc, ăn vạ, ném đồ đạc, chọc tức người khác... của trẻ làm họ nổi cơn điên và con dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm.
3. Dạy con kêu cứu khi thấy có người lạ đến gần. Nếu trẻ tránh xa người lạ khi ra ngoài, sự an toàn của con sẽ tăng lên. Nếu ai đó động chạm vào con mà con hét lên, họ cũng ngại mà buộc phải rút tay lại. Vì thế, cha mẹ hãy dạy con bằng cách chơi trò giả làm người xấu. Được rèn luyện ở nhà, con sẽ tạo được phản xạ và xử lý tốt hơn khi gặp đối tượng nguy hiểm.
4. Dạy con tránh xa các mối nguy hại: Đường ô tô, bốt điện, bể nước, ao, bờ sông, bãi biển.... đều là những mối nguy hiểm lớn với trẻ chứ không chỉ có kẻ xấu. Trẻ 3 tuổi đủ nhận thức để tránh được các mối nguy hại này nếu cha mẹ dạy con.
5. Dạy con ứng xử khi bị lạc. Đứng nguyên tại chỗ khi phát hiện ra mình bị lạc là điều cha mẹ cần dạy con. Đứng nguyên 1 chỗ sẽ giúp cha mẹ tìm thấy con dễ dàng hơn. Thuộc số điện thoại của cha mẹ để nhờ gọi khi cần cũng giúp con tránh khỏi nguy hiêmt khi bị lạc. Để con an toàn, cha mẹ cần trang bị những kĩ năng này cho con sớm. Tuy nhiên, cha mẹ cũng vẫn chưa thể rời mắt khỏi con nếu trẻ mới chỉ 3 - 4 tuổi.