Cha mẹ "mang gươm" trong lòng, con "gánh" tổn thương

30/06/2017 - 07:47
Nếu làm con trở nên bạc nhược, yếu đuối, phục tùng cha mẹ vô điều kiện thì đó là con đường dẫn con em chúng ta trở thành nạn nhân của bạo lực, TS Lê Nguyên Phương, chuyên gia tâm lý học đường cho biết.
tien-si-le-nguyen-phuong.jpg
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương: Dạy con theo lối độc đoán và bạo lực, kể cả bạo lực bằng lời nói như nhiếc móc, nhục mạ, sẽ tạo ra những đứa trẻ kém tự tin, ít tự trọng.

Chẳng hạn, nếu cha mẹ quá khắc nghiệt, quá buông thả hay không nhất quán trong việc kỷ luật con cái trong gia đình. Họ xem con cái như tài sản, là nô lệ, đối xử quá độc đoán và áp bức. Ngược lại, nguy cơ cũng xảy ra khi cha mẹ lơ là, lạnh nhạt, không biết cách giám sát hành vi con đúng mực hoặc cha mẹ nghiên ngập rượu chè, ma túy.

Ở Hoa Kỳ, người ta cũng thấy là con cái của những gia đình có thu nhập thấp hay cha mẹ ít học  cũng thường có khả năng bạo động hơn.

Tuy nhiên, yếu tố thu nhập và ít học không nhất thiết là nguy cơ trong các nền văn hóa khác khi có sự hiện diện của các nhân tố tốt đẹp như truyền thống nề nếp, nhường nhịn, hòa thuận, hay sự hỗ trợ trong việc giáo dục và kỷ luật con cái từ ông bà, cô dì…

Vì vậy, phụ huynh cần được tư vấn về phương pháp dạy dỗ, kỷ luật và quản lý thời khóa biểu của trẻ. Dạy con theo lối độc đoán và bạo lực kể cả bạo lực bằng lời nói như nhiếc móc, nhục mạ, không chỉ góp phần tạo ra những đứa trẻ kém tự tin, ít tự trọng, mà còn tạo ra những học sinh thích bắt nạt hay ngược lại là nạn nhân của các vụ bắt nạt.

nuong-chieu.jpg
Nịnh con, nuông chiều hay bênh vực con quá đáng cũng có kết quả không tốt lành. Ảnh minh họa

Ngược lại, nịnh con, nuông chiều hay bênh vực con quá đáng, cũng có kết quả không tốt lành gì. Trong gia đình cũng cần có một hệ thống thưởng phạt phân minh, bình đẳng và nhất quán.  Con em của chúng ta cũng cần một lịch làm việc, học tập, giúp việc nhà, ăn uống, ngủ nghỉ, chơi đùa rõ ràng và hợp lý trong ngày. Nếu chính chúng ta không theo nổi thời khóa biểu do chúng ta lập ra thì chắc chắn con cái chúng ta khó mà theo nổi.

TS Lê Nguyên Phương nhấn mạnh, nếu chúng ta làm con trở nên bạc nhược, yếu đuối, phục tùng chúng ta vô điều kiện thì đó là con đường dẫn con em chúng ta trở thành nạn nhân của bạo lực. Nếu chúng ta sử dụng bạo lực đối với chúng hay dung túng sự ích kỷ, cường quyền và xem bạo lực là cách giải quyết vấn đề nhanh gọn nhất hay khôn ngoan nhất thì chúng ta sẽ tạo ra những đứa trẻ sẵn sàng dùng bạo lực trong nhà trường và sau này cả trong xã hội.

Chuyên gia tâm lý học đường với 15 năm kinh nghiệm từ khối mầm non đến đại học tại Mỹ cũng cho biết: Trong Kinh Thiên Chúa giáo có câu “Kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm”, theo tôi nghĩ, câu đó không chỉ để mô tả một hiện tượng nhân quả đơn giản giữa người và người mà còn là một hiện tượng nhân quả trong tâm lý của mỗi cá thể và giáo dục trong gia đình. Bạn ác tâm thì cũng như bạn đang mang một thanh gươm trong lòng, thanh gươm đó sẽ làm bạn tổn thương trước khi bạn dùng nó để trấn áp người khác. Khi bạn gieo thanh gươm đó trong lòng con của bạn, tôi tự hỏi phải chăng bạn muốn con của bạn sẽ bị tổn thương trong tương lai? 

TS Lê Nguyên Phương và ANBOOK vừa ra mắt cuốn sách “Dạy con trong hoang mang”.  Cuốn sách tập hợp 30 bài viết giải đáp những vấn đề về giá trị và phương pháp giáo dục con trẻ của các bố mẹ và thầy cô Việt Nam được lý giải trên nền tảng kiến thức khoa học qua các nghiên cứu của các ngành tâm lý học giáo dục, tham vấn và thần kinh.

“Dạy con trong hoang mang” được xuất phát từ ước mong tìm kiếm cho độc giả những tri kiến về dạy con, tìm đến sự “minh triết tự thân” trong chính con cái, đạt được sự ung dung thanh thản trong vai trò làm cha mẹ, một “nghề nghiệp” trọn đời hết sức thiêng liêng nhưng cũng đem lại không ít đau khổ và thách thức.

bia-sach.jpg

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm