Cha mẹ nên bỏ thói quen này nếu không muốn con bị hỏng mắt

02/02/2018 - 15:19
Nhiều phụ huynh có thói quen tát vào má trẻ, thậm chí khi vui còn tung trẻ lên không trung… Tuy nhiên, các hành vi này có thể dẫn đến tổn thương giác mạc, kết mạc, vỡ nhãn cầu, tổn hại thần kinh, xuất huyết võng mạc, giảm thị lực.
Tại hội thảo “Bạo hành trẻ em - Hỗ trợ, chăm sóc và điều trị tổn thương Mắt”, do BV Mắt Hà Nội 2 tổ chức chiều ngày 1/2, bác sĩ Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, cho biết: Mỗi năm cả nước có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. Đây là thống kê của Bộ LĐTB&XH, còn nghiên cứu của Bộ Công an đối với 2.000 học viên các trường giáo dưỡng cho thấy, khoảng 50% em có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của bố mẹ. Trong đó, số em bị bố đánh chiếm 23%.

Trẻ bị bạo hành sức khỏe bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. GS Bruce Moore, chuyên gia khúc xạ Nhãn nhi (Đại học Nhãn khoa New England-Mỹ) cho biết, một nghiên cứu y tế cho thấy, trong số các vụ bạo hành trẻ em, có đến 40% trẻ bị tổn thương ở mắt, trong đó 20% trẻ bị tổn thương trực tiếp vào mắt, có đến 5-10% trẻ được đưa đến khám chuyên khoa mắt ngay sau khi bị bạo hành.
kham-mat-3.jpg
Khi trẻ có dấu hiệu bất thường về mắt gia đình cần đưa đến BV thăm khám

GS Bruce Moore cho rằng, những chấn thương ở mắt do bạo hành có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng như rách giác mạc, kết mạc, vỡ nhãn cầu, tổn hại thần kinh, mù vĩnh viễn… trường hợp nhiễm khuẩn nặng có thể dẫn tới tử vong.

Còn theo bác sĩ Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc BV Mắt Hà Nội 2, tổ chức của mắt gồm các mô mềm nên rất dễ bị tổn thương. Thế nhưng, ngoài bạo hành, nhiều phụ huynh có thói quen gây hại đến mắt trẻ mà không biết. Ví như bế trẻ lên 2 tay rồi rung mạnh, tát vào má trẻ, tung trẻ lên không trung… “Các hành vi này có thể dẫn đến tổn thương giác mạc, kết mạc, vỡ nhãn cầu, tổn hại thần kinh, xuất huyết võng mạc, giảm thị lực”, bác sĩ Nguyên nói.

Bác sĩ Nguyên cũng cho biết, thị lực mắt ở trẻ trong những năm đầu đời rất quan trọng, nếu thị lực bị suy giảm từ nhỏ thì về sau không thể phục hồi được. Trong khi đó, các tổn thương mắt ở trẻ do bị bạo hành thường kín đáo. Ban đầu có thể chỉ là mờ mắt, trẻ thường không ý thức được để nói với người lớn đưa đi viện khám nên khi vào viện thường đã muộn, khó phục hồi thị lực. Vì vậy, để bảo vệ trẻ, phụ huynh không nên dùng bạo lực dưới mọi hình thức; từ bỏ các thói quen như tung bé, rung lắc. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường hay chấn thương vùng mắt thì cần đưa trẻ đi khám để được phát hiện và điều trị kịp thời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm