pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha mẹ nên làm gì khi bé bước vào thời kỳ lười bú sữa?
Trên thực tế, trẻ nhỏ bỗng nhiên không muốn bú sữa nữa không phải do chúng bước vào thời kỳ nào, nguyên nhân thường liên quan tới những thói quen ăn uống của người mẹ (nếu trẻ bú mẹ), do chất lượng sữa (trẻ bú sữa công thức) hoặc nhiều lý do khác.
Nguyên nhân khiến trẻ đột nhiên không thích bú sữa
1. Tò mò
Đến một độ tuổi nhất định, bé sẽ tò mò về mọi thứ xung quanh mình, dễ bị phân tâm nên không thể tập trung uống sữa.
2. Thích thứ mới
Khi bé chấp nhận thức ăn khác và trải nghiệm mùi vị mới, bé sẽ không chỉ thích sữa mẹ/sữa công thức nữa mà muốn thử các loại thức ăn khác.
3. Môi trường ăn uống không tốt
Môi trường ồn ào, dễ bị quấy rầy, bé mặc quá nhiều quần áo nóng nực, nhà cửa ngột ngạt, bị mẹ mắng và nhiều lý do khác khiến bé cảm thấy khó chịu, không thể tập trung bú sữa.
4. Tốc độ tăng trưởng chậm lại
Khi trẻ lớn dần, tốc độ tăng trưởng của chúng sẽ chậm lại, không bằng lúc trong giai đoạn sơ sinh, vì thế nhu cầu bú sữa của trẻ cũng giảm đi.
Về cơ bản, tâm lý chán ghét sữa phổ biến hơn về mặt sinh lý, vì vậy tốt nhất cha mẹ nên chú ý nhiều hơn, kiên nhẫn quan sát và chăm sóc. Tuỳ theo từng tình trạng bé mắc phải mà cha mẹ có cách xử lý phù hợp.
5. Sữa mẹ có vị khó chịu
Đối với những bé bú mẹ, khi sữa mẹ có vấn đề, mẹ ăn một số loại thực phẩm đặc biệt gây ảnh hưởng tới chất lượng sữa. Điều này có thể khiến mùi vị của sữa mẹ khác trước và bé không thích.
Trong một số trường hợp đặc biệt, bé không bú hoặc bú rất ít do yếu tố bệnh lý, cha mẹ cần cảnh giác, nguyên nhân phổ biến như sau:
- Dị ứng thực phẩm (chẳng hạn như dị ứng protein sữa) hoặc không dung nạp thức ăn (chẳng hạn như không dung nạp đường sữa).
- Các vấn đề về răng miệng: Viêm họng cấp tính, loét miệng, tưa miệng,… khiến răng miệng bị đau, trẻ đột ngột giảm ăn, bỏ bú.
- Nhiễm trùng đường hô hấp gây nghẹt mũi, bé bú không thở được, quấy khóc, bứt rứt, không thích bú.
- Các vấn đề về tim: Do bất thường phát triển bẩm sinh ở tim, một số trẻ sẽ bú ít hơn, không thể bú mẹ, mệt mỏi và sặc sữa sau vài phút bú.
- Sốt, đau bụng do viêm dạ dày ruột cấp tính.
- Đối với một số trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc trẻ mắc nhiều bệnh sau khi sinh cần xem xét kỹ thời kỳ ít bú sữa.
Cách chăm sóc trẻ biếng bú sữa
Các bậc cha mẹ luôn lo lắng khi bé chán bú, mong rằng tình trạng này sẽ sớm qua đi. Làm mọi cách để có thể cho bé bú sữa là lựa chọn mà hầu hết các bậc cha mẹ sẽ thực hiện. Dưới đây là một số gợi ý cha mẹ có thể tham khảo:
- Điều chỉnh và cải thiện môi trường ăn uống
Điều quan trọng khi xử lý tình trạng bé lười bú sữa là không được ép bé bằng mọi giá, điều này chỉ phản tác dụng, khiến bé chán ghét và lười bú hơn.
Lúc này, mẹ nên tạm dừng cho con bú và thử lại khi tâm trạng bé vui vẻ. Một bầu không khí thoải mái sẽ giúp bé tăng cảm giác ngon miệng hơn.
- Linh hoạt sắp xếp thời gian cho bé bú
Cho bé nhịn đói thật lâu có thể không hiệu quả đối với một số bé. Người mẹ có thể chia ra nhiều cữ cho bé bú, tuy mỗi cữ có thể ít hơn nhưng khi bú nhiều cữ sẽ phần nào đáp ứng được lượng sữa cần thiết cho cơ thể trẻ.
- Tìm kiếm sự trợ giúp của bác sĩ
Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, môi trường nuôi dạy con cái của mỗi gia đình cũng khác nhau nên lý do khiến mỗi đứa trẻ có biểu hiện "ghét sữa" cũng có thể khác nhau.
Điều cha mẹ cần làm lúc này là nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia, cùng nhau phân tích để tìm ra chính xác nguyên nhân khiến bé ghét sữa.
Tóm lại, bé lười bú sữa là tình trạng phổ biến trong quá trình nuôi dưỡng một đứa trẻ nên cha mẹ cần bình tĩnh xử lý. Bất cứ cách xử lý nào mang tính chất ép buộc, cưỡng ép, vội vàng đều có thể khiến bé sợ hãi và lười bú sữa hơn, cha mẹ cần chú ý.