Cha mẹ đừng đánh đồng giữa việc gây áp lực để trẻ học tốt với yêu thương con

Bảo Vy (thực hiện)
21/04/2025 - 17:01
Cha mẹ đừng đánh đồng giữa việc gây áp lực để trẻ học tốt với yêu thương con

Nhiều phụ huynh ân hận khi con có vấn đề về tâm lý

“Điều tôi cảm thấy tiếc nuối nhất là các bậc phụ huynh không nhận diện được dấu hiệu của trầm cảm sớm của con mình, để kịp thời đồng hành với con vượt qua giai đoạn khó khăn này” - chuyên gia tâm lý tình cảm Mai Chi (giảng viên trường Đại học Đông Đô, Hà Nội) chia sẻ.

Người thân chưa nhận diện được những dấu hiệu stress ban đầu của con

- Là chuyên gia tâm lý, tình cảm với hơn 20 năm hỗ trợ hàng nghìn khách hàng ở các lứa tuổi, xin chị cho biết, cảm xúc của chị thế nào mỗi lần tiếp xúc với các khách hàng ở lứa tuổi thanh thiếu niên bị mắc bệnh trầm cảm?

Thực tế, thời gian gần đây, số khách hàng cần tôi hỗ trợ là các cha mẹ của các em hoặc chính các em thanh thiếu niên bị mắc bệnh trầm cảm tăng hơn so với những năm trước. Mỗi khi tiếp xúc với những em ở độ tuổi thanh thiếu niên bị mắc bệnh trầm cảm, tôi rất xót xa, có lúc cảm thấy bất lực, vì đa số các khách hàng ở độ tuổi còn rất trẻ, nhưng từng nghĩ đến tiêu cực, thậm chí muốn hủy hoại mạng sống của chính mình. Có cả trường hợp ngay khi cha mẹ của các em vừa gọi cho tôi nhờ hỗ trợ, thì ngay sau cuộc gọi, con gái họ đã dại dột nhảy cầu và không qua khỏi.

Tôi thấy tiếc, vì khi có cơ hội tiếp xúc với các em, đa số các em đã được bác sĩ kết luận ở mức độ mắc bệnh trầm cảm nặng. Với các biểu hiện như: chậm chạp, cảm thấy vô dụng, tội lỗi, mất tự tin, có hành vi làm người khác bị thương hoặc tự làm đau mình, thậm chí xuất hiện suy nghĩ muốn tự tử. Trong khi đó, cha mẹ, người thân của các em lại chưa nhận diện được những dấu hiệu ban đầu của con. Ví như ở mức độ nhẹ là: mất ngủ, hay cáu vô cớ, tuyệt vọng, thu mình, thiếu động lực, mất hứng thú với những sở thích trước đó… Để sớm đưa con đi khám và can thiệp. Trái lại, họ còn nghĩ con cái mình lười biếng, khó bảo, lối sống có vấn đề, nên đã trách mắng con. Điều này khiến các con càng cảm thấy bất lực, tội lỗi và không tìm thấy sự thấu hiểu từ người thân.

Cha mẹ đừng đánh đồng giữa việc gây áp lực để trẻ học tốt với yêu thương con- Ảnh 1.

Chuyên gia tâm lý tình cảm Mai Chi - Giảng viên trường Đại học Đông Đô, Hà Nội

Khi tiếp xúc với các em có dấu hiệu mắc bệnh trầm cảm và người thân của họ, tôi vẫn luôn nhấn mạnh rằng: Việc tuân thủ uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ và thực hiện các liệu pháp cần thiết mà người hỗ trợ tâm lý đưa ra là rất quan trọng.

Không ai đồng hành với các em lúc này tốt hơn gia đình. Việc yêu thương nhiều hơn, không có thái độ xem người trầm cảm là "đồ vô tác dụng", là "đồ bỏ đi" sẽ giúp con tự tin và sớm hòa nhập trở lại.

Trầm cảm vì áp lực và căng thẳng

- Theo chị, điều gì khiến các bạn trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên suy nghĩ đến tiêu cực dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra? Có phải các con thiếu kỹ năng sống cần thiết không?

Từ kinh nghiệm của tôi trong nhiều năm hỗ trợ người bị trầm cảm, trong đó, có nhiều em ở độ tuổi thanh thiếu niên, một trong những lý do dẫn đến các em mắc bệnh trầm cảm là áp lực, căng thẳng.

Áp lực, căng thẳng dẫn đến lo âu trong thời gian dài, các em không tìm được cách giải quyết, cũng không tìm được người tin cậy để chia sẻ những lo âu của mình. Hoặc người hỗ trợ mà các em tìm đến lại không rốt ráo, khiến các em phải tự âm thầm giải quyết vấn đề của mình, trong khi kỹ năng xử lý vấn đề còn yếu.

Ví dụ, hiện nay tôi đang hỗ trợ một cháu bị trầm cảm nặng. Cháu từng uống thuốc giảm đau quá liều để tìm đến cái chết, nhưng may mắn được cấp cứu kịp thời.

Cháu bắt đầu có hiện tượng lo âu, sợ hãi khi bị bạn học bắt nạt, nói xấu, cô lập từ khi học lớp 7 (hiện cháu đã nghỉ học vì sợ đến lớp). Ban đầu, cháu lo sợ bị bố mẹ mắng, nên không dám kể những gì mà mình đang trải qua. Cháu căng thẳng chịu đựng cả một học kỳ, chỉ khi kết quả học sa sút, bố mẹ hỏi ra mới biết con bị bắt nạt ở trường.

Bố mẹ đã nhờ cô giáo chủ nhiệm can thiệp nhưng vẫn không hiệu quả,. Thậm chí, cháu còn bị bắt nạt theo một cách khác tinh vi hơn, điều này khiến cháu mất niềm tin ở mọi người xung quanh và sống thu mình.

Tôi cho rằng, việc trang bị kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống trong trường học cho học sinh là một việc vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, nhà trường và gia đình cũng cần lưu ý lồng ghép những hoạt động, những câu chuyện mang tính nhân văn, yêu thương con người để các em thấm thía hơn mỗi ngày.

Cha mẹ đừng đánh đồng giữa việc gây áp lực để trẻ học tốt với yêu thương con- Ảnh 2.

Việc trang bị kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống trong trường học giúp học sinh tránh được căng thẳng, trầm cảm. Ảnh minh hoạ: ST

- Trong những trường hợp đã được chị chia sẻ, hỗ trợ, xin chị chia sẻ một câu chuyện được chị giúp đỡ và đồng hành thành công?

Cuối năm 2019, tôi tiếp nhận một cô gái 23 tuổi, cô bị trầm cảm sau cú sốc trượt học bổng du học. Cô gái trẻ phải dùng thuốc chữa trầm cảm suốt 2 năm và tôi có 4 năm kiên trì đồng hành cùng cô gái này trị liệu tâm lý. Rất may, cô gái trẻ ấy đã dần khỏi bệnh, sau đó học xong chương trình thạc sĩ trong nước, có việc làm và kết hôn.

Tôi cho rằng, hỗ trợ tâm lý và phục hồi kỹ năng xã hội cho người trầm cảm, cần một quá trình tương tác hết sức tinh tế và kiên nhẫn, để phát hiện được sở trường của họ, giúp họ có động lực và niềm tin trong quá trình trị liệu tâm lý.

Trong trường hợp của cô gái này, tôi phát hiện cô ấy thích đọc sách. Và cũng chính nhờ các phương pháp khích lệ, chia sẻ từ những cuốn sách hay này đã cùng tôi trợ giúp và đồng hành, hỗ trợ cô gái trẻ từng bước thay đổi chính mình, hòa nhập với cuộc sống.

Cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con

- Thời gian này, khi các kỳ thi quan trọng đang đến gần, theo chị, thanh thiếu niên cần được trang bị những kỹ năng gì để tránh những căng thẳng, trầm cảm ở giai đoạn này?

Như tôi đã chia sẻ ở trên, áp lực và lo âu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm. Đối với học sinh, sinh viên khi bước vào các kỳ thi quan trọng, các em cần tự lượng sức mình để có sự chuẩn bị tâm lý, thời gian cũng như kiến thức sao cho khi bước vào kỳ thi đó các em cảm thấy thoải mái nhất có thể.

Ví dụ, nếu môn học đó, trường đó mà các em cảm thấy không dễ dàng thì cần tự cân bằng, hài hòa giữa nguyện vọng và thực lực bản thân để có sự chuẩn bị tâm lý vững vàng. Dành thời gian nhiều hơn cho môn học mà các em cảm thấy khó. Việc cân đối quỹ thời gian cho: học, ăn, ngủ, nghỉ ngơi, giải trí và các hoạt động khác vô cùng có ý nghĩa. Bởi nó sẽ giúp các em bớt căng thẳng và tiếp tục nạp năng lượng tích cực.

Ngoài ra, bằng các kỹ năng mà các em có, hãy chia sẻ những gì mà mình cảm thấy khó khăn, bế tắc với người mà em tin tưởng như: bố mẹ, anh chị em, bạn, thầy cô... thậm chí một ai đó mà em thấy phù hợp. Khi có người lắng nghe, đồng cảm sẽ giúp em cảm thấy bình an hơn.

Cũng bằng kỹ năng thuyết phục, các em nên mạnh dạn và tìm thời điểm thích hợp để tâm sự với bố mẹ về sở trường (điểm mạnh) và sở đoản (điểm yếu) của bản thân để bố mẹ đồng cảm và hiểu rằng, việc kỳ vọng của bố mẹ là chính đáng, nhưng sẽ quá sức với con, mong bố mẹ cho con thêm lựa chọn khác.

Tôi cũng mong các bậc làm cha mẹ hãy đặt mình vào vị trí của con, kỳ vọng vào con là chính đáng, nhưng cần thêm sự đồng cảm và thấu hiểu thực lực và tâm tư của con. Tránh đánh đồng giữa việc gây áp lực để con học tốt, sau này có tương lai với việc yêu thương con.

Không một hạnh phúc nào, bình an nào có được dựa trên áp lực và áp đặt. Nhiều phụ huynh đã ân hận khi con có vấn đề về tâm lý. Bởi mong đợi đó quá sức với con, khiến con luôn cảm thấy lo lắng, căng thẳng và tội lỗi vì không đáp ứng được mong mỏi của bố mẹ.

Sự đánh giá, đặt nặng, nhẹ về ngành nghề, về trường lớp cộng phán xét vô lối và dựa trên cảm tính của nhóm xã hội về thành tích của người này và thất bại của người kia cũng vô tình tạo ra làn dư luận khen chê, hơn kém, khiến những đứa trẻ dễ bị cuốn vào vòng xoáy dư luận. Để rồi dễ rơi vào trạng thái tâm lý hoang mang lo lắng, áp lực khi mình kém hơn những người xung quanh.

- Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm