“Chạm ngõ đàn bà” cùng nhà văn Nguyễn Hồng Lam

Bảo Minh
25/03/2022 - 14:44
“Chạm ngõ đàn bà” cùng nhà văn Nguyễn Hồng Lam

Nhà văn Nguyễn Hồng Lam

“Chạm ngõ đàn bà” là sự kiện do NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhân dịp ra mắt ấn bản “Bản tình ca khúc khuỷu” của nhà văn Nguyễn Hồng Lam.

Vào 8h30 sáng thứ 7, ngày 26/3, tại Sân khấu A, Đường Sách Nguyễn Văn Bình (TP HCM) sẽ diễn ra sự kiện Chạm ngõ đàn bà, được phát trực tiếp trên fanpage của NXB Phụ nữ Việt Nam. Đây là chương trình giao lưu, trò chuyện với nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Lam về cuốn sách mới ra mắt của anh Bản tình ca khúc khuỷu. Chương trình do NXB Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội quán Các bà mẹ tổ chức. Tham gia sự kiện có TS Hà Thanh Vân và tác giả Nguyễn Hồng Lam. Đảm nhận vai trò điều phối chương trình là nhà báo Yến Ngọc.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Lam thường được biết với cái tên "Người của giang hồ" – theo tên một tác phẩm nổi tiếng của tác giả. Những trang viết của anh luôn hấp dẫn bạn đọc đến con chữ cuối cùng. Bạn đọc luôn mong chờ, đón đợi để đọc anh, bởi nơi ấy mỗi phận người cứ đau đáu sự đời, sự người với những suy tư nhân tình thế thái.

Tập truyện Bản tình ca khúc khuỷu

Tập truyện Bản tình ca khúc khuỷu

Bản tình ca khúc khuỷu là tập hợp 16 truyện ký về "những con người thật, những sự việc đã xảy ra, những cuộc đời cụ thể đã bị số phận khắc dấu". Đó là cuộc đời 2 người phụ nữ Võ Thị Gặp và Lữ Thị Toán đã gồng gánh một mình chăm sóc gia đình, sau khi chồng đi bộ đội. Để rồi khi chiến tranh kết thúc, chồng trở về, họ nhận ra mình không thể có thai, và quyết định cho chồng lấy vợ khác để "góp hai cuộc đời lại cho một cuộc đời" (truyện Hai bà mẹ xóm Cồn).

Đó là tình yêu son sắt, chung thủy của cô giáo trẻ Ngọc Điệp đối với người yêu chịu án tù chung thân, nhưng khi sự thật được phơi bày thì "Cuộc đời cô, tình yêu của cô, gió bụi cuộc đời đã rứt đi, tan tác biết mấy thu rồi…!" (Bản tình ca khúc khuỷu).

Đó là nỗi khao khát được làm mẹ, được có một gia đình của chị Mâu, vì vậy chị nhận nuôi bé Xuyến, rổ rá cạp lại với một người đàn ông, nhưng ước mơ giản dị đó lại dễ dàng vụn tan ra bởi đói nghèo đeo bám. Bé Xuyến lớn lên trong tình thương của mẹ nuôi, nhưng tình thương ấy lại không đủ sức dạy dỗ bé trưởng thành đúng nghĩa, "Đời nó rồi cũng không khá gì hơn bố mẹ đẻ của nó đâu" (Những đứa trẻ không có mùa thu).

Và nhiều mảng đời khác nữa, tang thương có, bi kịch có, nhưng ẩn sâu bên trong là nghị lực sống, là sống cho xứng đáng kiếp làm người, vì "thiên chức buộc họ trót phải mang… có tên chung là ngõ đàn bà".

Bản tình ca khúc khuỷu là "những cuộc đời, những ký ức trĩu buồn nhưng đầy dư ba cảm xúc", mà khi lật mở những trang đầu tiên, người đọc sẽ khó lòng đặt sách xuống cho tới khi gấp lại trang cuối.

"Tất cả những nhân vật trong cuốn Bản tình ca khúc khuỷu mà bạn đang cầm trên tay đều không nổi tiếng. Nhưng với tôi, họ đều là những cuộc đời kỳ vĩ. Cuộc đời, hoặc phần đời im lặng nào đó của họ đã nói được rất nhiều điều, nhiều hơn tất cả những gì họ có thể kể, khiến người khác, ít nhất là khiến tôi, đôi khi, phải tự nhủ mình im lặng để mà suy nghĩ. Họ sống như đã sống, sống xứng đáng, vì đơn giản, đó đều là những con người đã sống đến kiệt cùng đời họ, đi đến nấc giản dị cuối cùng mà thiên chức buộc họ trót phải mang. Thiên chức ấy có tên chung là ngõ đàn bà. Ở đó, niềm vui thường thoáng qua, nỗi buồn thì đọng mãi", nhà văn Nguyễn Hồng Lam chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm