pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giáo dục
Chăm sóc dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt và luyện tập trong kỳ kinh nguyệt
Đầu tiên là phải chú ý duy trì đủ nước cho cơ thể. Giữ đủ nước sẽ giúp cơ thể không bị tích nước và giảm hiện tượng đau bụng và đầy hơi khi đến chu kỳ kinh nguyệt.
Nữ thanh thiếu niên có thể đem theo chai nước hoặc nhớ uống nước thường xuyên trong trường giữa các tiết học. Cần đảm bảo uống đủ ít nhất 2-2,5 lít nước mỗi ngày.
Thanh thiếu niên cũng có thể kết hợp các loại thực phẩm chứa nhiều nước trong chế độ ăn để đảm bảo duy trì lượng nước trong cơ thể. Các thực phẩm này gồm có dưa hấu, cam quýt, rau lá màu xanh đậm. Đồng thời, nên hạn chế uống caffeine, cẩn thận với nước ngọt, trà có caffeine hoặc cà phê. Những thức uống này khiến cơ thể mất nước và đau bụng hơn khi có kinh.
Tăng cường dinh dưỡng trong kỳ kinh nguyệt
Trong giai đoạn này, các em nên chia các bữa ăn chính thành những phần nhỏ hơn và ăn thường xuyên hơn. Vì việc ăn vặt nhiều hơn trong chu kỳ nên việc này không những giúp bạn giảm bớt sự thèm ăn mà còn ngăn chặn các chứng buồn nôn hoặc đau thắt liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Các bạn nữ không nên để mình quá đói hoặc quá no, vì những điều này sẽ khiến bạn cảm giác mệt mỏi như sắp bệnh, do đó bạn chỉ nên ăn vừa đủ no.
Hạn chế ăn các thức ăn lạnh vì có thể làm giảm tốc độ tuần hoàn máu, dẫn đến đau bụng kinh nghiêm trọng hơn. Nên ăn thực phẩm ngăn ngừa đầy hơi và tránh các thức ăn nhiều chất béo như khoai tây chiên, kem, bánh mì kẹp thịt và đồ uống ngọt có ga.
Do mất máu nên các em cần ăn các thực phẩm giàu sắt và đạm trong bữa ăn hàng ngày và tăng lên trong kì kinh nguyệt như các loại rau có màu xanh đậm, hải sản, các loại đậu, bí đỏ, súp lơ xanh, thịt gà, cá, đậu phụ và các loại hoa quả.
Uống đủ nước và có thể uống trà gừng cho ấm người. Trà gừng cũng giúp máu lưu thông và giảm đau bụng kinh.
Cải thiện chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc phù hợp
Các em phải điều chỉnh chế độ ăn uống của mình cho hợp giờ giấc và bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Tích cực tập thể dục thể thao thường xuyên, dù là một vài động tác vận động nhỏ mỗi sáng 15-30 phút cũng giúp đẩy lùi chứng rối loạn kinh nguyệt. Các bài tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, thái cực quyền… giúp cơ thể tăng cường bơm máu, tiết ra chất trung hòa chất độc và giảm co thắt và đau. Vì thế dù có kinh nguyệt, cố gắng đừng nhăn nhó ngồi trên ghế hoặc trên giường mà hãy vận động nhẹ nhàng.
Học sinh có thể mạnh dạn xin phép thầy cô nghỉ ngơi nếu có các triệu chứng, khó chịu trong kỳ kinh nguyệt (ví dụ giờ thể dục...). Các em có thể nghỉ ngơi tại phòng y tế nhà trường, chườm nóng, uống nước gừng ấm và quay lại lớp học khi thấy các triệu chứng thuyên giảm.