Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ trong mùa dịch

M.Khánh
28/11/2021 - 09:02
Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ trong mùa dịch

Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ trong mùa dịch. Ảnh minh họa

Chưa bao giờ mà trẻ em lại phải ở trong nhà lâu đến vậy. Nhiều trẻ em hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với trạng thái bình thường mới và phải đối mặt với nhiều vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần.

Chia sẻ về những khó khăn khi phải học online kéo dài, em Nguyễn An Huy (học sinh Trường THCS Minh Khai, Hà Nội) cho biết: "Trước đây em đã bị cận nhưng thời gian này, khi tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính, điện thoại, em thấy mắt mờ hơn. Em lo rằng mình sẽ bị tăng độ cận. Hơn nữa, em là người khá hướng ngoại nên em luôn muốn được gặp gỡ, giao lưu và vui chơi với các bạn. Tuy nhiên, suốt mấy tháng nay không được đến trường, em cảm thấy khá bí bách. Em thường phải dùng Zalo để giao tiếp, để trao đổi việc học với các bạn".

Là người bố có con trai đang là học sinh lớp 1, anh Lê Xuân Đức (Hà Nội) cũng bày tỏ sự đồng cảm với các phụ huynh đang đồng hành cùng con trong giai đoạn con không được đến trường: "Khi con chuẩn bị vào lớp 1, gia đình tôi lo lắng vì con chưa có trải nghiệm gì ở trường lớp với thầy cô, bạn bè mà đã phải học online tại nhà. Điều này rất khó khăn cho con. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của các con. Khi bố, mẹ, con cái ở nhà và tiếp xúc với nhau quá nhiều, sẽ có rất nhiều xung đột, tranh cãi xảy ra. Ví dụ như khi con học không tập trung, bố mẹ rất bực bội, quát mắng con và bố mẹ cũng sẽ dễ cãi nhau, gây ảnh hưởng đến con".

Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ trong mùa dịch - Ảnh 1.

Bố mẹ cần giao lưu với trẻ nhiều hơn

Trước việc học sinh phải học online quá lâu, bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), cho biết: "Đến thời điểm này, chúng ta đang chuẩn bị bước sang năm thứ 3 đối diện với Covid-19, tổn thương đối với các em là vô cùng lớn. Đầu tiên là tổn thương về mặt tinh thần. Trẻ em là đối tượng rất hiếu động, rất muốn được quan tâm, thương yêu. Nhưng khi đại dịch diễn ra, các em chỉ tiếp xúc với 4 bức tường, bố mẹ dễ cáu gắt, quát mắng dẫn đến các em dễ tổn thương. Điều đó có thể dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ, thậm chí là cực đoan như loạn thần, trầm cảm, tự kỷ... Đây là điều rất dễ hiểu. Bên cạnh đó, các em cũng tiếp xúc với nhiều nội dung tiêu cực trên mạng gây ảnh hưởng đến tâm lý, dẫn đến một số hậu quả rất thương tâm. Chúng ta cũng phải đề cập về những tổn thương về thể chất. Các em phải ngồi học quá lâu, quá nhiều, gây ảnh hưởng đến mắt, cột sống, xương khớp. Vì vậy, vai trò của bố mẹ trong việc hướng dẫn các con rất quan trọng. Chúng ta cần phải hướng dẫn cho các con rất tỉ mỉ tư thế ngồi, ánh sáng ngồi học điều chỉnh thế nào cho đúng".

Để đồng hành cùng con, để chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất cho con trong mùa dịch, theo bác sĩ Mai Xuân Phương, bố mẹ cần trang bị cho các con những kĩ năng sống, kĩ năng mềm, quan trọng nhất là kĩ năng giao tiếp, như làm quen và tạo mối quan hệ, quan sát, sử dụng ngôn ngữ không lời, phản hồi, khích lệ và động viên, kĩ năng thành thật, không nói dối, từ chối lịch sự, lắng nghe, tổng hợp, nói và thuyết trình... Những kĩ năng này sẽ các giúp em dễ dàng thích nghi và tương tác với các bạn, kể cả trong giai đoạn giãn cách.

Với anh Lê Xuân Đức, cách đồng hành cùng con của anh trong giai đoạn này là "hãy để con được làm những việc con hứng thú trước để tinh thần con luôn hào hứng, phấn chấn trong suốt thời gian học, sau đó mới làm những việc con ít hứng thú hơn. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên tiếp sức cho các con bằng cách trong lúc con học, bố mẹ có thể pha một cốc nước, chuẩn bị phần ăn nhẹ để con có được sức lực và tinh thần tỉnh táo trong quá trình học tập".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm