pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chạm tay vào vai nhân viên an ninh sân bay Dubai, nữ du khách trả giá bằng 1 năm tù giam
Theo Daily Mail, một nhà nhà hoạt động xã hội tuyên bố án tù 1 năm đối với cô gái người Mỹ ở Dubai chỉ vì "lỗi nhỏ" chạm vào nhân viên an ninh sân bay là lời cảnh báo đối với hàng triệu khách du lịch.
Radha Stirling, nhà hoạt động xã hội ở Dubai, cho biết bản án áp dụng cho cô gái trẻ người Mỹ tên Elizabeth Polanco De Los Santos là một ví dụ điển hình cho thấy kỳ nghỉ ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có thể kết thúc trong "cơn ác mộng". Cô cảnh báo một chuyến đi đến tiểu vương quốc Dubai có thể trở thành "tấm vé một chiều" vào tù.
Theo lời kể của Radha, cô gái trẻ Elizabeth (21 tuổi), đến từ New York (Mỹ), bị buộc tội "hành hung và lăng mạ" nhân viên an ninh sân bay trong thời gian dừng chân 10 giờ tại sân bay quốc tế Dubai sau chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi cô đã trải qua một ca phẫu thuật.
Cụ thể, khi chiếc áo nịt ngực y tế được trang bị sau ca phẫu thuật của Elizabeth xuất hiện trên thiết bị kiểm tra an ninh ở sân bay, cô buộc phải cởi trần để chứng minh cho nhân viên thấy mình đang mặc gì. Không thể đặt lại chiếc áo nịt ngực vào đúng vị trí, cô đưa tay chạm vào cánh tay của một nữ nhân viên an ninh để nhờ giúp đỡ.
Cô gái 21 tuổi lập tức bị cáo buộc "hành hung, lăng mạ" nhân viên an ninh và bị cấm xuất cảnh.
Sau khi bị phạt vì vụ việc hồi tháng 7, nhân viên an ninh sân bay đã kháng cáo quyết định của tòa án và mới đây, Elizabeth nhận được tin mình bị kết án 1 năm tù.
Đầu năm 2023, một du khách người Mỹ khác là Tierra Allen đã bị bỏ tù sau khi bị buộc tội la mắng nhân viên cho thuê xe.
Radha Stirling đang vận động để trả tự do cho Elizabeth. Cô nói: "Các trường hợp của Elizabeth và Tierra Allen là ví dụ về những gì xảy ra hàng ngày ở Dubai".
Người ta đã chi hàng tỷ USD để quảng cáo về một thành phố quyến rũ nhưng kết cục lại như thế. Các nhà chức trách dường như chưa hành động quyết liệt để đảm bảo địa điểm du lịch này an toàn cho mọi người. Khách du lịch rất dễ bị ảnh hưởng bởi những cáo buộc sai trái và không có bằng chứng có thể khiến họ rơi vào cảnh tù tội.
Họ dễ bị tấn công bởi các âm mưu tống tiền như chúng tôi thấy từ nhân viên sân bay, đại lý cho thuê xe, tài xế taxi...".
Cô nói thêm: “Đối với nhiều khách du lịch, chuyến đi đến Dubai có thể là tấm vé một chiều”.
Bị giam giữ ở Dubai khiến hàng chục khách du lịch Anh phải đối mặt với án tù khắc nghiệt vì những tội danh tưởng chừng như tầm thường.
Laleh Shahravesh, 55 tuổi, đã bị giam giữ theo luật an ninh mạng nghiêm ngặt khi bà đến thăm nơi này cùng con gái Paris vào năm 2019.
Bà bị cáo buộc gọi vợ mới của chồng cũ là "ngựa" trong bình luận trên Facebook. Mặc dù bà viết bình luận đó từ 3 năm trước chuyến đi tới Dubai, nhưng vẫn bị bắt và bị đe dọa phải ngồi tù.
"Tôi hy vọng anh chết đi tên ngốc. Anh bỏ tôi vì con ngựa này", bà bình luận vào các bức ảnh. Vợ thứ 2 của chồng cũ của Laleh, người đang sống ở Dubai, sau đó đã báo cáo sự việc với cảnh sát. Theo luật an ninh mạng của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), việc phát ngôn xúc phạm người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền và ngồi tù.
Người phụ nữ 55 tuổi này đã nộp phạt 625 bảng Anh (hơn 18 triệu VNĐ). Bà được phép rời khỏi nơi này và thề sẽ không bao giờ quay trở lại.
Những người khác vi phạm luật pháp Dubai bao gồm thợ điện người Scotland tên là Jamie Harron, người đã bị bỏ tù 3 tháng vì chạm vào một người đàn ông trong quán bar.
Nhân viên cứu trợ người Úc sống ở Dubai, Scott Richards, đã bị bắt vì cố gắng quyên tiền mua chăn cho trẻ em Afghanistan.
Nhà chức trách cho biết anh không phải là tổ chức từ thiện đã đăng ký và không được phép thu tiền quyên góp của mọi người.
Cô gái tên Selina Waterman-Smith đã phải đối mặt với án tù hồi đầu năm nay vì một "tấm séc bị trả lại" mà cô khẳng định mình không viết.
Selina khai rằng một đối tác kinh doanh cũ đã quấy rối cô trong vài năm và cô là nạn nhân của hành vi tống tiền. Vì Selina từ chối trả 27.000 bảng Anh (795 triệu VNĐ), đối tác cũ của cô cho rằng cô nợ nên Selina không thể rời khỏi Dubai.
Radha Stirling nói: "Ở Dubai, vấn đề không phải là có tội hay vô tội. Một lời cáo buộc đơn thuần là đủ để đảm bảo sự kết án cho dù có bằng chứng về hành vi sai trái hay không. Thông thường, những lời cáo buộc được người khiếu nại sử dụng để đảm bảo các khoản bồi thường lớn nhằm khép lại vụ việc.
Ở bất kỳ quốc gia nào, một cáo buộc không có bằng chứng có thể dẫn đến việc bỏ tù lâu dài đối với khách du lịch là điều không thể chấp nhận được và Dubai cần phải nỗ lực để ngăn chặn kiểu lạm dụng pháp lý này".