Chấm thi, thi bổ sung tốt nghiệp THPT sẽ ra sao trong bối cảnh dịch Covid-19?

Phúc Nguyên
10/08/2020 - 20:04
Chấm thi, thi bổ sung tốt nghiệp THPT sẽ ra sao trong bối cảnh dịch Covid-19?
Đây là câu hỏi được báo chí đặt ra tại cuộc họp báo kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức, diễn ra vào cuối giờ chiều ngày 10/8. Đại diện Bộ GD&ĐT đã cung cấp một số thông tin quan trọng về công tác chấm thi để đảm bảo an toàn cho giáo viên chấm thi và đạt tiến độ theo kế hoạch.

Thông tin với báo chí tại cuộc họp báo, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) - khẳng định, việc chấm thi vẫn tiến hành theo lịch trình thời gian đề ra trước đó. Đến nay, ngoại trừ Đà Nẵng thì 62 tỉnh, thành phố đã sẵn sàng cho việc chấm thi.

Theo ông Trinh, trong kế hoạch chung phòng ngừa dịch Covid-19, các địa phương tính toán khâu coi thi, chấm thi, đặc biệt phòng dịch cho khu vực chấm thi như khử khuẩn, đo thân nhiệt, trang bị cồn rửa tay đồng thời bố trí bộ phận y tế thường trực.

"Chúng tôi cam kết đảm bảo an toàn tối đa sức khỏe cho giáo viên để thực hiện chấm thi theo kế hoạch" – ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Chấm thi, thi bổ sung tốt nghiệp THPT sẽ ra sao trong bối cảnh Covid-19? - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Trinh thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT tại cuộc họp báo chiều 10/8. Ảnh: MOET

Liên quan đến việc công bố đáp án thi và điểm thi, theo ông Trinh, việc công bố đáp án dựa vào tiến độ chấm thi tự luận, trắc nghiệm. Không công bố đáp án ngay sau khi kết thúc kỳ thi là một trong những giải pháp ngăn ngừa gian lận thi cử.

"Lịch trình đã có, Bộ GD&ĐT chỉ công bố điểm thi khi nào hoàn thành chấm thi, thông suốt, không nghẽn mạng, không lộ bí mật cá nhân thí sinh. Các hình thức công bố điểm thi cho thí sinh là miễn phí. Một trong những điểm quan tâm là phân tích phổ điểm, dù có Covid-19 thì mọi công đoạn vẫn tiến hành bình thường" - theo ông Trinh.

Đối với đợt thi bổ sung cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Trinh khẳng định đợt thi này có mục đích, yêu cầu hoàn toàn giống đợt một, chính vì vậy sẽ xây dựng cấu trúc đề thi (ma trận đề thi) trên cơ sở ngân hàng câu hỏi để xây dựng các đề thi đáp ứng yêu cầu đảm bảo độ khó, độ tương đồng.

Thông tin thêm về đề thi, bà Nguyễn Thị Thu thủy - Quyền Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - khẳng định, theo nhận định chuyên gia khảo thí, cũng như giảng viên thì đề thi năm nay phù hợp có độ phân hóa tốt, đáp ứng yêu cầu các trường đại học và việc tuyển sinh.

"Đề thi đảm bảo nhiệm vụ của công tác tuyển sinh. Các thí sinh giỏi hãy yên tâm bởi độ phân hóa rõ nét của đề, đáp ứng sự cạnh tranh của một số trường đại học. Chúng tôi cũng đã ban hành công văn, hướng dẫn đề nghị các trường đại học dành tỷ lệ chỉ tiêu, nhiều căn cứ khác nhau phù hợp thực tiễn để cho thí sinh thi bổ sung đợt sau" – bà Thu Thủy cho hay.

Trước đó, Bộ đã ban hành công văn đề nghị các trường đại học dành chỉ tiêu cho thí sinh thi đợt 2, công văn nêu rõ, các trường điều chỉnh chỉ tiêu phân bổ và đề án tuyển sinh cho phù hợp, báo cáo về Bộ GD&ĐT (qua Vụ Giáo dục Đại học) trước ngày 3/9/2020 và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường theo quy định.

Công tác tổ chức xét tuyển thực hiện theo quy định hiện hành, công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng (lấy kết quả từ cao xuống thấp); không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội; điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi đợt sau phải đảm bảo không thấp hơn điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi trong các ngày 8-10/8/2020.

"Chúng tôi sẽ cùng xã hội giám sát quá trình tuyển sinh của các trường"- bà Thu Thủy khẳng định.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, có 39 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó 38 em bị đình chỉ thi; 18 cán bộ coi thi bị xem xét xử lý, do chưa thực hiện đúng quy chế, không đảm bảo đủ giờ làm bài môn Ngữ văn của một số thí sinh ở Bắc Ninh. Một thí sinh ở Bình Phước (môn Địa lý) và 7 phòng thi ở Điện Biên (môn Địa lý) cũng phải thi đề dự bị vào ngày mai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm