'Chân dung' học sinh mới: 6 phẩm chất, 10 năng lực

12/04/2017 - 17:24
Đổi mới phương pháp, nội dung học tập và đổi mới cả giáo viên, tất cả nhằm tạo ra 'chân dung' mới về người học, theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể vừa được Bộ GD&ĐT công bố gây chú ý với quyết tâm xây dựng “chân dung” hoàn toàn mới về học sinh.

Đây được xem là mục tiêu lớn nhất của chương trình, trên cơ sở đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT tổng thể, cho biết, phẩm chất là đức và năng lực là tài. Đức được đo bằng hành vi ứng xử, còn tài được đo bằng hiệu quả hành động. Để xác định các phẩm chất cần hình thành và phát triển ở học sinh.

“Phần lớn tài liệu của các nước phương Tây về GDPT không phân biệt phẩm chất và năng lực, mà chỉ đề cập đến năng lực. Trong khi một số nước châu Á có nêu ra một số phẩm chất, nhưng mỗi nước cũng chỉ nhấn mạnh một vài điểm. Chúng tôi đã dựa trên rất nhiều các tài liệu, cân nhắc để phản ánh được các giá trị phổ quát của thời đại và phù hợp với hệ thống phẩm chất, năng lực nói chung trong Chương trình GDPT mới”, GS Thuyết nhấn mạnh.

Chương trình tổng thể có mục tiêu tạo ra một thế hệ học sinh mới, đủ phẩm chất và năng lực để trưởng thành. Ảnh minh họa 

Theo đó, dự thảo chương trình nêu lên 6 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: Yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.    

Về năng lực, dự thảo nêu lên 10 năng lực cốt lõi (những năng lực mà ai cũng cần có để sống và làm việc trong xã hội hiện đại), bao gồm:

Những năng lực chung được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học, hoạt động giáo dục nhất định: Năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

Để đạt được mục tiêu về “chân dung” mới của người học, dự thảo áp dụng đổi mới ngay từ phương pháp dạy và học. Trong đó, giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn, tạo môi trường học tập thân thiện cho học sinh.

“Trên cơ sở đó, các em tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân. Các em được rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển”, theo GS Nguyễn Minh Thuyết.

Vay 77 triệu USD đổi mới chương trình GDPT tổng thể

Tổng chi phí cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là 77 triệu USD. Đây là dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) được Thủ tướng phê duyệt danh mục tại Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 8/4/2015. Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ quản, đồng thời là chủ dự án. Thời gian thực hiện từ năm 2015 đến năm 2020 tại Bộ GD&ĐT và 63 tỉnh/thành. Một số hạng mục lớn để chi gồm biên soạn sách giáo khoa, cấp sách miễn phí, soạn sách song ngữ cho học sinh dân tộc thiểu số, bồi dưỡng giáo viên…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm